Bài toán 90.000 tỉ USD khiến thế giới đau đầu: Làm sao để khởi động lại nền kinh tế khi đại dịch chưa dứt?
Bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, chính phủ khắp các nước trên thế giới đều đang vội vã lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp cách li và tái khởi động nền kinh tế.
Vấn đề là, chưa có một kế hoạch vẹn toàn nào được vạch ra.
Các nhà hoạch định chính sách đang phải vắt óc suy nghĩ cách mở cửa trở lại, đồng thời ngăn cản một làn sóng COVID-19 thứ hai. Nếu thất bại, chính phủ sẽ buộc phải ra lệnh phong tỏa một lần nữa, khiến các tổn thất kinh tế càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo Bloomberg, việc mở cửa Vũ Hán, thành phố đầu tiên xảy ra bùng phát virus corona chủng mới, sẽ mang đến ví dụ đầu tiên cho thế giới. Ngay cả Italy, quốc gia có số ca tử vong cao nhất vì COVID-19, cũng đang cân nhắc chiến lược thoát khỏi phong tỏa, sau khi số ca nhiễm mới tại nước này có xu hướng giảm.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump lại tiếp tục nói về việc đưa người lao động quay trở lại làm việc.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị để đối phó với Giai đoạn 2 của đại dịch – tái khởi động lại nền kinh tế đang chịu thiệt hại nặng nề vì các biện pháp phong tỏa – các rủi ro ngày càng được đẩy lên cao, và sự đánh đổi giữa kinh tế và sức khỏe ngày càng trở nên đáng quan ngại.
Trước tình cảnh ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề, chuỗi cung ứng bị phá hủy, các nhà máy không được hoạt động, nền kinh tế toàn cầu trị giá 90.000 tỉ USD đang phải hứng chịu một trong những cú sốc tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng 1929 - 1933.
Thật không may, các chính phủ không thể dựa vào một kế hoạch có sẵn nào trong lịch sử để quyết định thời điểm và phương thức khởi động lại cỗ máy kinh tế sau khi nó đã phải tạm ngừng một cách quá đột ngột, đặc biệt là khi việc mở cửa trở lại có thể đẩy mạng sống của nhiều người vào cảnh nguy hiểm.
Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nói: "Bằng một cách nào đó, chúng ta phải mở cửa trở lại. Nước Mỹ không thể đóng cửa trong 20 tháng. Nếu đóng cửa như Vũ Hán, chúng ta có thể sẽ phá hủy xã hội. Nhưng nếu chúng ta để cho virus hoành hành, cả hệ thống y tế lẫn nền kinh tế đều bị hủy diệt".
Một trong những lựa chọn trong hiện tại là cho phép người trẻ tuổi – nhóm người có nhiều khả năng sống sót khỏi virus corona chủng mới cao nhất – quay trở lại cuộc sống bình thường, để cho cơ thể họ tự sản sinh khả năng miễn dịch.
Để có thể mở cửa nền kinh tế trở lại một cách an toàn, các quốc gia sẽ cần phải tiến hành xét nghiệm kháng thể nhằm xác định được cộng đồng người nào ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo ông David Heymann, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm và đại dịch tại London School of Hygiene and Tropical Medicine, các cuộc xét nghiệm này "vẫn chưa được kiểm chứng tại hầu hết các quốc gia. Cho đến khi chúng ta có được kết quả, mọi thứ đều chỉ là đoán mò".
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính trên toàn thế giới đã có hơn 1,6 triệu người nhiễm COVID-19, số người chết vì COVID-19 đã vượt quá 102.000 người.
Giới chuyên gia y tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên hành động từ từ, thận trọng và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn chống dịch có thể kéo dài đến nhiều tháng.
Vũ Hán chấm dứt phong tỏa
Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Vũ Hán, tâm dịch đầu tiên của COVID-19, khi giới chức Trung Quốc mới đây đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa cho thành phố này. Bất chấp việc xe cộ được phép lăn bánh, các máy bay và xe lửa được phép rời khỏi thành phố, quá trình quay trở lại bình thường sẽ không thể diễn ra nhanh chóng, khi mà một số lệnh hạn chế vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng.
Các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng đại dịch COVID-19 tại nước này đang được kiểm soát, nhưng họ vẫn cảnh giác với khả năng xảy ra một làn sóng khác lây nhiễm khác, đến từ một ổ dịch trong nước hoặc các ca bệnh nhập khẩu từ nơi khác.
Một quận với 640.000 dân ở tỉnh Hà Nam đã phải áp lệnh phong tỏa lần 2 sau khi một số bác sĩ nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng và đã lây sang cho bệnh nhân. Tỉnh Hắc Long Giang giáp biên giới với Nga đã ghi nhận 125 ca bệnh "nhập khẩu" và 111 ca bệnh khác không có triệu chứng.
Hong Kong và Singapore từng được ca ngợi vì kiểm soát tốt dịch bệnh mà không gây tổn hại quá lớn về nền kinh tế, giờ đây cả hai đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh tay hơn.
Nỗ lực 5.000 tỉ USD
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia cắt giảm lãi suất và tung ra các biện pháp kích thích kinh tế lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Tổng cộng, qui mô của các biện pháp tài khóa của chính phủ các nước trên thế giới công bố đã lên đến 5.000 tỉ USD. Các ngân hàng trung ương phải áp dụng các chính sách khẩn cấp để giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế từ cú sốc gây ra bởi COVID-19.
Theo ước tính của Morgan Stanley, tổng cộng, bảng cân đối kế toán của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu, ngân hàng trung ương Nhật Bản và ngân hàng trung ương Anh Quốc sẽ phình to thêm 6,8 nghìn tỉ USD.
Bất chấp những cố gắng trên, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng nền kinh tế sẽ không thể hồi phục nhanh chóng sau khi lao dốc mạnh trong quí II.
Ông phát biểu trên một cuộc thỏa luận trực tuyến được tổ chức bởi Viện Brookings: "Có thể chúng ta sẽ phải khởi động lại các hoạt động kinh tế một cách khá chậm chạp, và các giai đoạn tiếp theo sẽ còn chậm hơn nữa".
Tìm kiếm dữ liệu
Các công ty lo lắng về lệnh phong tỏa đang tìm kiếm chỉ dẫn từ các nhà khoa học. Tại New York, công ty phân tích dữ liệu eBrandValue đã thiết kế ra một mô hình để giúp cho các khách hàng doanh nghiệp dự đoán được khi nào thì họ có thể bắt đầu hoạt động trở lại.
Bà Ayse Akcura, chủ sở hữu eBrandValue nhận xét: "Tôi nghĩ mọi người sợ phá sản hơn là sợ chết".
Dựa theo tình hình tại Trung Quốc và những phát hiện của riêng mình, eBrandValue nói rằng các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho khả năng tái hoạt động trở lại 15 – 20 ngày sau khi quốc gia của họ vượt qua đỉnh dịch.
Mối lo ngại của các chuyên gia y tế và công chúng là dù một quốc gia có thể giảm tốc độ lây nhiễm virus xuống mức rất thấp, nhưng nếu không có vắc xin, mọi nỗ lực sẽ đổ xuống sông xuống bể một khi các lệnh phong tỏa kết thúc.
Cách duy nhất để ngăn chặn tình huống này và để biết được khi nào và nơi nào nên dỡ bỏ các hạn chế là bằng cách xét nghiệm.
Ông Mike Ryan, một trong những quan chức cao cấp của WHO cho biết: "Một khi chấm dứt lệnh phong tỏa, các quốc gia sẽ phải đưa ra những biện pháp khác nhằm kiểm soát COVID-19, như tích cực tìm kiếm trường hợp mắc bệnh, xét nghiệm, cách li, truy tìm người tiếp xúc với bệnh nhân, và giáo dục cộng đồng tốt".
Vấn đề là, trừ một số ngoại lệ như Hàn Quốc, Singapore và Đức, năng lực xét nghiệm COVID-19 tại hầu hết các quốc gia đều bị hạn chế, do những sai sót trong công nghệ, sự chậm trễ trong việc giao hàng và thiếu hụt nguyên liệu.
Quay trở lại bình thường
Một nhóm các chuyên gia y tế của Mỹ đã soạn thảo ra một lộ trình mở cửa nền kinh tế trở lại. Theo lộ trình này, chính phủ Mỹ nên triển khai giai đoạn trung gian là cho trường học và doanh nghiệp mở cửa, nhưng đồng thời vẫn hạn chế tụ tập đông người.
Người dân được khuyến khích giữ khoảng cách với nhau, và những người có rủi ro lây nhiễm cao nên giới hạn thời gian ở nơi công cộng. Nếu số ca nhiễm tăng trở lại, các hạn chế sẽ được thắt chặt.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các kế hoạch mà Nhà Trắng đang phát triển để đưa nền kinh tế hoạch động trở lại đòi hỏi phải xét nghiệm COVID-19 cho rất nhiều người nữa, mà hiện thời năng lực xét nghiệm của Mỹ chưa thể đáp ứng được yêu cầu này.
Nhiều khả năng các nỗ lực nhằm mở cửa trở lại sẽ được bắt đầu tại các thành phố và thị trấn nhỏ không có nhiều ca nhiễm COVID-19. Các điểm nóng của dịch bệnh như New York, Detroit, và New Orleans sẽ tiếp tục phải phong tỏa.
Ông Eric Topol, Giám đốc viện nghiên cứu Scripps Research Translational Institute nói: "Mọi người đều muốn mở cửa trở lại và quay trở về cuộc sống bình thường, nhưng tôi chưa thấy ai tìm ra được một chiến lược thông minh, cho chúng ta biết trước được khu vực nào có thể trở thành một tâm điểm bùng phát dịch mới để ngăn chặn kịp thời".
"Sẽ là cả một thảm họa nếu mở cửa nền kinh tế trở lại mà không có một biện pháp nào để theo dõi xem liệu số ca nhiễm COVID-19 có đang tăng trở lại hay không".
Các chính phủ đang phải vật lộn với một thách thức mà nền kinh tế thế giới chưa bao giờ phải đối mặt trước đây, và có lẽ sẽ không ai tìm ra được một câu trả lời hoàn toàn chính xác.
Ông Bruce Aylward, một trong những quan chức hàng đầu của WHO, cảnh báo rằng các chính trị gia có thể nói những lời hoa mỹ về việc đưa người lao động quay trở lại làm việc nhưng họ cần phải chuẩn bị tâm lí cho người dân trước một thời kì khó khăn kéo dài phía trước.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/