|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu hàng không cắm đầu giảm vì đại dịch, Berkshire Hathaway vội thoái vốn

08:10 | 05/04/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành hàng không tê liệt vì đại dịch COVID-19, cổ phiếu các hãng bay không biết còn giảm đến khi nào, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett đã bán bớt khoản đầu tư tại Delta Air Lines và Southwest Airlines.

Bloomberg dẫn công bố thông tin của Berkshire Hathaway cho biết trong tuần này tập đoàn của tỉ phú Warren Buffett đã giảm tỉ lệ sở hữu tại hai hãng hàng không Delta Air Lines và Southwest Airlines lần lượt 18% và 4%.

Cụ thể, Berkshire đã bán khoảng 13 triệu cổ phiếu Delta và 2,3 triệu cổ phiếu Southwest. Giá trị cổ phiếu Delta mà Berkshire còn nắm giữ là khoảng 1,32 tỉ USD và Southwest là 1,57 tỉ USD.

Ngoài Delta và Southwest, Berkshire còn đầu tư vào hai hãng hàng không lớn khác của Mỹ là United Airlines và American Airlines. Theo BusinessInsider, trong quí I/2020, giá của 4 cổ phiếu hàng không này giảm trung bình 52%, đồng nghĩa với việc giá trị khoản đầu tư của Berkshire bay hơi khoảng 5 tỉ USD.

Cổ phiếu hàng không cắm đầu giảm vì đại dịch, Berkshire Hathaway vội thoái vốn - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu Delta Air Lines và Southwest Airlines từ đầu năm 2020 đến nay: Giảm 40-60%.

Đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, đã khiến cho ngành hàng không điêu đứng và cắt giảm tới khoảng 90% số chuyến bay. Theo Bloomberg, hiện nay mỗi ngày nước Mỹ chỉ có khoảng 150.000 hành khách đi máy bay trong khi trước đại dịch con số là hơn 2,2 triệu.

Các đường bay giữa Mỹ với Trung Quốc và châu Âu đã bị đình chỉ. Người dân Mỹ cũng được khuyến cáo ở yên trong nhà để ngăn sự lây lan của COVID-19, khiến cho nhu cầu với di chuyển hàng không nói chung suy giảm nghiêm trọng.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 5/4 theo giờ Việt Nam, Mỹ đã ghi nhận hơn 308.000 ca nhiễm COVID-19 (cao nhất trên thế giới) và hơn 8.400 trường hợp tử vong. Cả thế giới đã có gần 1,2 triệu ca dương tính và 64.600 ca tử vong vì đại dịch này.

Các điểm nóng nhất về dịch hiện nay là Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp. Các nước này đều có trên 90.000 ca dương tính.

Delta Air Lines dự đoán doanh số quí II của hãng này sẽ giảm tới 90%. Các hãng hàng không khác cũng đưa ra những ước tính thê thảm tương tự.

American Airlines cho biết hãng đang có kế hoạch giảm số chuyến bay quốc tế khoảng 60% vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm tới 80% so với mùa hè 2019. Các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và khu vực Nam Mỹ cũng sẽ giảm 48-65%.

CEO Delta Air Lines - ông Ed Bastian tuần trước cho biết khoảng 30.000 trong số 91.000 lao động tại Atlanta của hãng hàng không này đã tình nguyện nghỉ không lương. Tuy nhiên Delta cần nhiều lao động phải nghỉ hơn nữa.

CEO Delta Air Lines nói: "Tôi rất muốn nói rằng cuộc khủng hoảng này sẽ sớm chấm dứt, nhưng thực tế là chúng ta không thể biết nó sẽ kéo dài bao lâu, không biết khi nào dịch bệnh sẽ được kiểm soát và khi nào các hành khách mới sẵn sàng bay trở lại".

"Mỗi ngày Delta đốt tiền hơn 60 triệu USD nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng đây vẫn chưa phải là đáy, tình hình còn có thể sẽ tồi tệ hơn".

Cổ phiếu hàng không cắm đầu giảm vì đại dịch, Berkshire Hathaway vội thoái vốn - Ảnh 3.

Tàu bay của American Airlines phải nằm đất trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters.

Hàng trăm tàu bay của các hãng đang phải nằm đắp chiếu, phát sinh chi phí đậu ở sân bay rất lớn. Các chuyên gia và lãnh đạo ngành hàng không đang cảnh báo cú sốc do COVID-19 gây ra sẽ còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại kinh tế của vụ khủng bố 11/9 năm 2001.

Trong thảm cảnh đó, các hãng hàng không đã phải cầu cứu đến sự hỗ trợ của chính quyền liên bang Mỹ.

Hàng không cầu viện chính phủ

Các hãng hàng không đã kêu gọi chính phủ Mỹ chi 50 tỉ USD để giúp các hãng chở khách và 8 tỉ USD để cứu các hãng chở hàng.

Ngày 27/3, Đạo luật Hỗ trợ và Đảm bảo kinh tế trong đại dịch COVID-19 (CARES) đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump kí ban hành sau khi được lưỡng viện quốc hội thông qua.

Theo đó, các hãng hàng không chở khách được phát cho 25 tỉ USD, các hãng hàng không chở hàng được cho 4 tỉ USD. Số tiền này chỉ được dùng để trả lương và phúc lợi cho người lao động từ nay đến 30/9.

Quốc hội và chính phủ Mỹ cũng dành ra 25 tỉ USD khác để cho vay và 4 tỉ USD để bảo lãnh các khoản vay của ngành hàng không. Tổng giá trị hỗ trợ là 58 tỉ USD theo đúng đề xuất của các hãng.

Ngoài ra các công ty dịch vụ hàng không (phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn, …) cũng được cho 3 tỉ USD nữa.

Ngày 3/4, các hãng hàng không lớn của Mỹ bao gồm Delta Air Lines, Southwest, United, American Airlines, JetBlue Airways, Alaska Air Group đều đã nộp hồ sơ xin chính phủ hỗ trợ tiền lương cho lao động.

Một số hãng cho biết sẽ đàm phán với Bộ Tài chính Mỹ về các điều khoản hỗ trợ cụ thể vào những ngày tới đây.

Cổ phiếu hàng không cắm đầu giảm vì đại dịch, Berkshire Hathaway vội thoái vốn - Ảnh 4.

Tàu bay Boeing 737 Max 8 của Southwest Airlines đang đậu ở sân bay, tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

Bộ Tài chính Mỹ chưa đưa ra bình luận gì. Trước đó, cơ quan này cho biết chính phủ Mỹ muốn được nhận chứng quyền, quyền chọn cổ phiếu, cổ phiếu ưu đãi hoặc các loại chứng khoán khác từ các hãng bay.

Ngoài ra, các hãng hàng không nhận hỗ trợ của chính phủ sẽ phải tạm thời không được phép trả cổ tức tiền mặt, không mua lại cổ phiếu quĩ và không tăng lương cho ban lãnh đạo.

Các tổ chức công đoàn đại diện cho 94.000 tiếp viên hàng không, bao gồm cả các hãng lớn như American, United hay Southwest Airlines, đã gửi một bức thư đến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết các hãng hiện không mấy mặn mà với các điều kiện đi kèm gói giải cứu để thanh toán lương và do vậy nhiều nhân viên hàng không có thể sẽ mất việc.

"Các điều kiện đi kèm khiến cho khoản tiền hỗ trợ để trả lương nhân viên trông giống như một viên thuốc độc. Các hãng hàng không sẽ chọn sa thải nhân viên, lúc đó chúng tôi sẽ thất nghiệp và phải xin trợ cấp từ tiền thuế của dân – đi ngược lại mục đích ban đầu của gói giải cứu", bức thư của công đoàn tiếp viên có đoạn viết.

CEO David Calhoun của hãng chế tạo tàu bay Boeing cũng tỏ ra không hào hứng với việc để cho chính phủ Mỹ làm cổ đông: "Nếu Boeing phải để cho chính phủ nắm giữ cổ phần thì mới được cứu trợ, chúng tôi sẽ xem xét những lựa chọn khác, và chúng tôi có rất nhiều lựa chọn".

CEO Calhoun cho biết Boeing có 15 tỉ USD tiền mặt, và có thể vay khoảng 9,6 tỉ USD từ các nguồn khác.

Đức Quyền