|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao nhiều doanh nghiệp đang khổ sở vì COVID-19 vẫn quyết không nhận tiền giải cứu của chính phủ Mỹ?

07:15 | 29/03/2020
Chia sẻ
Gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD Tổng thống Trump vừa kí ban hành hôm 27/3 cung cấp sự trợ giúp cho nhiều doanh nghiệp đang lao đao vì COVID-19. Nhưng bất chấp tình cảnh khó khăn, một số công ty Mỹ vẫn quyết định từ chối sự hỗ trợ này, trong đó có ông lớn Boeing.
Vì sao nhiều doanh nghiệp khốn đốn vẫn chê gói hỗ trợ của chính phủ Mỹ? - Ảnh 1.

Mọi người đi bộ trước MGM Resort International Bellagio Resort & Casino ở Las Vegas. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg đưa tin tập đoàn kinh doanh sòng bài - khách sạn MGM Resorts International đã tuyên bố sẽ không nhận trợ giúp tài chính trực tiếp từ gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD Tổng thống Trump vừa kí thông qua ngày 27/3.

Ban lãnh đạo MGM cho biết công ty sẽ chỉ nhận trợ giúp của chính phủ liên bang dưới dạng các khoản bảo lãnh khoản vay trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài buộc các sòng casino phải đóng cửa quá lâu.

MGM là công ty vận hành các khu nghỉ dưỡng lớn nhất trên Dải Las Vegas. MGM đã đóng cửa mọi casino ở Mỹ để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trước khi đưa ra tuyên bố trên, MGM đưa ra thông báo công ty sẽ cắt giảm chi phí, sa thải công nhân và trì hoãn đầu tư vào tài sản cố định.

MGM cũng cho biết công ty có sẵn 3,9 tỉ USD tiền mặt.

Ông Jim Murren - cựu CEO của MGM hiện đang là người lãnh đạo một tổ công tác chống dịch COVID-19 ở Nevada. Ngày 17/3, ông Murren gặp Tổng thống Trump ở Nhà Trắng để thuyết phục chính phủ trợ giúp cho ngành kinh doanh casino. Ngày 22/3, ông Murren thông báo rời khỏi vị trí CEO của MGM.

Gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD có bao gồm hạng mục trị giá 500 tỉ USD để cho vay, bảo lãnh các khoản vay, đầu tư vào doanh nghiệp, các bang hay địa phương bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, doanh nghiệp được phép hoãn nộp thuế bảng lương, và được hưởng một số ưu đãi thuế khác.

Tuy nhiên, dự luật này cũng bao gồm một số ràng buộc, ví dụ như các doanh nghiệp nhận khoản vay hỗ trợ từ chính phủ phải đợi một năm sau khi hoàn trả đầy đủ mới được phép mua lại cổ phiếu. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị cấm tăng lương cho những nhân viên hoặc lãnh đạo có thu nhập năm ngoái trên 425.000 USD.

MGM tuyên bố: "Đây là một cuộc khủng hoảng với tính chất mà nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt, và chúng tôi đánh giá cao chính phủ liên bang đã có hành động quyết đoán để giảm thiểu tác động của nó, cũng như hỗ trợ người Mỹ trong thời gian khó khăn này".

"Mục tiêu của chúng tôi là nhanh chóng mở cửa và đưa nhân viên trở lại làm việc ngay khi có thể. Những điều khoản trong dự luật của chính phủ tạo điều kiện để chúng tôi sớm đạt được kết quả này".

Boeing kiên quyết không để chính phủ nắm giữ cổ phần

Theo CNBC, đạo luật cứu trợ Tổng thống Trump vừa kí hôm 27/3 có bao gồm điều khoản: Dành ra 17 tỉ USD để cho vay hoặc bảo lãnh khoản vay của các doanh nghiệp chưa xác định, được cho là "quan trọng thiết yếu tới hoạt động duy trì an ninh quốc gia".

Nhiều thành viên trong Quốc hội Mỹ và giám đốc trong một công ty hàng không lớn ở Mỹ nhận định rằng điều khoản này được tạo ra chủ yếu để giúp đỡ Boeing, vì hãng chế tạo máy bay này có bộ phận kinh doanh máy bay và dịch vụ quốc phòng.

Vì sao nhiều doanh nghiệp khốn đốn vẫn chê gói hỗ trợ của chính phủ Mỹ? - Ảnh 2.

Một chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 trên dây chuyền lắp ráp của Boeing. Ảnh: AP Photo

Trước đó, Boeing đã vận động hành lang để được nhận ít nhất 60 tỉ USD cho bản thân và mạng lưới nhà cung cấp từ gói kích thích kinh tế của chính phủ, để giảm thiểu tác động từ đại dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu máy bay chở khách giảm mạnh.

Không chỉ đối phó với với tác động từ dịch COVID-19, Boeing cũng đang phải chịu nhiều khó khăn từ hai vụ tai nạn máy bay 737 Max hồi năm 2018 và 2019.

Hai vụ rơi máy bay khiến cho doanh thu và lợi nhuận của Boeing sụt giảm mạnh. Năm 2019, Boeing lỗ 636 triệu USD - đây lần đầu tiên trong hai thập kỉ hãng sản xuất máy bay này không đạt lợi nhuận dương. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu hãng chế tạo máy bay này đã giảm hơn 51%.

Nhiều chuyên gia đánh giá gói kích thích 2.000 tỉ USD sẽ cung cấp cho Boeing những gì hãng hàng không này thực sự cần: hàng tỉ USD để chi trả các khoản bồi thường cho hai vụ rơi máy bay, và tiền để hỗ trợ cho các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Boeing lại quyết định công ty sẽ không tham gia vào chương trình hỗ trợ của chính phủ liên bang. Ngay sau khi phố Wall biết được thông tin này, giá cổ phiếu Boeing đã giảm 10,3% trong phiên 27/3.

Các khoản cho vay và bảo lãnh của chính phủ Mỹ đối với những doanh nghiệp "thiết yếu tới hoạt động duy trì an ninh quốc gia" có đi kèm theo những điều khoản trói buộc mà Giám đốc điều hành Boeing - ông Dave Calhoun không đồng tình.

Cụ thể, doanh nghiệp tham gia chương trình này sẽ phải trao cho chính phủ cổ phiếu hoặc chứng quyền cổ phiếu. Một phương án khác là doanh nghiệp vay tiền sẽ phải ưu tiên hoàn trả lại chính phủ đầu tiên trong trường hợp phá sản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói trên chương trình Fox Business Network hôm 27/3: "Hiện tại, Boeing nói rằng họ không cần hỗ trợ từ chương trình này. Tôi rất vui mừng vì Boeing nghĩ họ có thể tự giải quyết vấn đề - đó chính là những gì chúng tôi muốn họ làm".

Hôm 24/3, Giám đốc điều hành Calhoun nói rằng Boeing thà nhận tài trợ từ khu vực tư nhân còn hơn là để chính phủ nắm giữ cổ phần. Ông tuyên bố: "Nếu điều khoản này là bắt buộc, chúng tôi sẽ xem xét những lựa chọn khác, và chúng tôi có nhiều lựa chọn".

Ông Calhoun cho biết Boeing có 15 tỉ USD tiền mặt, và có thể có được khoản vay trị giá 9,6 tỉ USD từ nguồn khác.

Hôm 27/3, một phát ngôn viên của Boeing cho biết công ty đang đánh giá các hạng mục khác từ gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD của chính phủ, bao gồm khoản 500 tỉ USD để tài trợ cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 – doanh nghiệp được cho vay hoặc bảo lãnh từ chương trình này không cần phải cung cấp cổ phiếu cho chính phủ.

Giang