Cả Airbus và Boeing đã quên mất cách kiếm tiền
Bombardier đã quyết định sẽ bán số cổ phần còn lại của mình trong chương trình chế tạo máy bay 100-150 chỗ ngồi A220 cho đối tác là Airbus SE. Quyết định này cho thấy Bombardier đã từ bỏ nỗ lực cạnh tranh trong thị trường hàng không thương mại.
Bloomberg đưa tin thỏa thuận này được Airbus công bố cùng với khoản lỗ ròng cả năm lên tới 1,4 tỉ euro (1,5 tỉ USD) hôm 13/2. Cả hai như lời nhắc nhở đau đớn về lí do tại sao tham vọng về máy bay phản lực lớn của Bombardier từ trước đã có vẻ sẽ thất bại.
Trên lí thuyết, việc sản xuất máy bay thương mại là một công việc tuyệt vời. Đối thủ cạnh tranh thì ít - chỉ có Airbus và Boeing đang nắm giữ thế độc quyền trong việc bán máy bay cỡ lớn, còn nhu cầu thì đang bùng nổ. Khi người dân ở các thị trường mới nổi trở nên giàu có hơn, họ muốn đi du lịch nhiều hơn, và những lo lắng về khí hậu gần như đã không ngăn cản được hành khách đi máy bay.
Vấn đề là việc thiết kế và ra mắt dòng máy bay thương mại mới sẽ tiêu tốn một lượng vốn khổng lồ. Và ngay cả nếu đáp ứng được vốn, nếu mọi chuyện không diễn ra theo đúng kế hoạch thì thành công cũng không thể được đảm bảo.
Việc phát triển dòng máy bay A220 - trước đó được gọi là C-Series, đã khiến Bombardier tiêu tốn ít nhất 6 tỉ USD, và khiến nợ của công ty này phình to đến mức không thể duy trì được.
Năm 2017, Airbus đã giúp giải cứu công ty này bằng cách mua lại phần lớn cổ phần trong chương trình chế tạo máy bay C-Series. Nhưng ngay cả bây giờ, rất lâu sau khi đã đi vào hoạt động, chúng vẫn tạo ra gánh nặng lên dòng tiền của Airbus.
Theo tờ The Guardian, năm 2017, Boeing đã cáo buộc Bombardier bán các máy bay C-Series với mức giá "thấp một cách vô lí" nhờ được trợ cấp từ chính phủ Canada và Anh. Do vậy, chính phủ Mỹ đã quyết định áp dụng thuế nhập khẩu trừng phạt lên đến 292% lên Bomardier.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến Bombardier phải tìm kiếm sự trợ giúp của Airbus. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã đảo ngược phán quyết của chính quyền Tổng thống Trump, giúp hai công ty trên thoát được mức thuế khổng lồ.
Trong kỉ nguyên của Tổng thống Donald Trump và Brexit, các mối đe dọa thương mại và thuế quan đang tăng lên nhanh chóng.
Nhờ có cấu trúc vốn tốt hơn, Airbus có khả năng chịu đựng cao hơn Bombardier, nhưng cũng không hoàn toàn miễn nhiễm trước ảnh hưởng. Do tranh chấp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề Boeing, chính quyền Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với các máy bay xuất khẩu từ châu Âu sang Mỹ của Airbus.
Khác với Bombardier, Airbus và Boeing đều có bộ phận kinh doanh máy bay và dịch vụ quốc phòng, dòng tiền từ mảng này giúp hai công ty tài trợ cho chi phí phát triển khổng lồ.
Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể đảm bảo thành công. Một thách thức lớn là chi phí hưu trí cho nhân công, vì việc sản xuất máy bay đòi hỏi sử dụng rất nhiều lao động. Thâm hụt quĩ lương hưu của Airbus đã tăng lên khoảng 8 tỉ euro vì lãi suất thấp.
Ngoài ra còn có những thiệt hại được công bố một cách đột ngột. Airbus đã tiết lộ khoản điều chỉnh giảm 5,6 tỉ euro đối với kết quả kinh doanh hàng năm. Chiếm phần lớn trong số này là khoản tiền phạt lên tới 3,6 tỉ euro mà Airbus phải trả các cơ quan quốc tế để dàn xếp các cáo buộc hối lộ.
Công ty này còn phải chịu thêm khoản phí 1,2 tỉ euro cho chương trình máy bay quân sự vận chuyển A400m đang gặp khó khăn, cùng với hơn 200 triệu euro chi phí liên quan đến hạn chế xuất khẩu quốc phòng, cộng với nhiều chi phí một lần khác.
Đối với Boeing, có thời điểm dường như hãng này đã có được bí quyết tài chính thành công trong ngành hàng không thương mại. Boeing đã dùng dòng tiền gia tăng nhanh chóng của mình để phân phối cho các cổ đông thông qua chương trình mua lại cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau các sự cố nghiêm trọng liên quan đến máy bay 737 Max, giờ đây công chúng biết rằng thành công này đến từ việc bắt ép các nhà cung cấp, dọa nạt các cơ quan quản lí, và bỏ mặc các tiêu chuẩn an toàn.
Hai vụ rơi máy bay Boeing 737 Max khiến hàng trăm người chết trong chưa đầy 6 tháng, do vậy mà một loạt các quốc gia đã ban hành cấm bay đối với 737 Max - dòng sản phẩm bán chạy nhất của Boeing.
Dưới hậu quả từ các lệnh cấm này, năm 2019, Boeing đã lần đầu tiên báo cáo khoản lỗ cho cả năm sau hai thập kỉ.
Theo Bloomberg, Airbus đã phải tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ cho chương trình siêu máy bay A380, và nhiều khó khăn khác nhau trong việc sản xuất máy bay thân hẹp mới.
Sau khi đã vượt qua những thất vọng này, các cổ đông của Airbus hi vọng rằng cuối cùng công ty sẽ bắt đầu kiếm được tiền từ các đơn đặt hàng máy bay khổng lồ, và trả một phần số tiền đó cho họ thông qua chương trình mua lại cổ phiếu.
Kết quả hoạt động của Airbus đã được cải thiện, nhưng xem ra may mắn vẫn chưa đến với công ty này. Dự báo sản lượng và lợi nhuận năm 2020 trong báo cáo tài chính của Airbus thấp hơn so với dự kiến của các nhà phân tích.
Airbus kì vọng sẽ tạo ra 4 tỉ euro dòng tiền tự do trong năm nay, nhưng khoản tiền này sẽ chẳng còn lại bao nhiêu sau khi thanh toán các khoản phạt tham nhũng và vài trăm triệu euro tiền thuế, cùng các chi phí pháp lí khác.
Ngoài ra, dịch virus corona (covid-19) có thể sẽ gây ra các thiệt hại bất ngờ. Những hãng hàng không đang gặp khó khăn có thể buộc phải hủy đơn đặt hàng. Ngoài ra, chuỗi cung ứng cũng có khả năng bị gián đoạn. Dù Airbus đang tăng cổ tức thêm 9%, việc mua lại cổ phiếu sẽ phải hoãn lại.
Việc Bombardier rút khỏi thị trường hàng không vũ trụ thương mại là một minh chứng đáng buồn về những khó khăn trong việc việc kiếm tiền từ bán máy bay cỡ lớn. Ngay cả Airbus và Boeing cũng đang phải vật lộn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/