Xét nghiệm quá ít, 1/4 thế giới vừa nhắm mắt vừa chống dịch
Xét nghiệm ít, tỉ lệ tử vong cao
Tổng cộng ba nước Ấn Độ, Indonesia và Pakistan có khoảng 1,8 tỉ người, đương đương hơn 25% dân số toàn cầu. Tính đến ngày hôm nay 6/4, cả ba quốc gia này mới ghi nhận khoảng 10.100 ca dương tính với COVID-19.
Trong khi đó, Trung Quốc – nước có dân số tương đương Ấn Độ - đã ghi nhận gần 83.000 ca mắc, Mỹ - nước có dân số chỉ cao hơn Indonesia một chút – đã xác nhận 338.000 trường hợp.
Không thể chỉ nhìn vào số ca xét nghiệm dương tính thấp để khẳng định Ấn Độ, Indonesia và Pakistan đang kiểm soát tốt đại dịch. Nguyên nhân chính là số xét nghiệm được thực hiện còn quá thấp.
"Nếu không làm xét nghiệm thì chẳng khác nào vừa nhắm mắt vừa chống dịch", Bloomberg dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus. Ông Tedros hối thúc các quốc gia nâng tỉ lệ thực hiện xét nghiệm lên mức ít nhất là 10 lần tỉ lệ số ca dương tính/1 triệu dân.
Như vậy Ấn Độ, Indonesia và Pakistan sẽ phải làm ít nhất 101.000 xét nghiệm trên 1 triệu dân.
Kêu gọi xét nghiệm nhiều thì dễ nhưng thực hiện lại rất khó. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, các quan chức chính phủ vẫn đang phải chật vật tìm mua kit xét nghiệm ở nước ngoài, các bộ thử trong nước thì chậm được triển khai vì thủ tục hành chính rườm rà.
Theo Bloomberg, tính đến ngày 3/4, Ấn Độ mới thực hiện khoảng 66.000 xét nghiệm, thấp hơn nhiều so với Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và càng thấp hơn so với những quốc gia thực hiện xét nghiệm rộng rãi như Hàn Quốc. Do vậy nhiều chuyên gia đang phỏng đoán rằng số ca nhiễm thực tế ở Ấn Độ sẽ cao hơn số ghi nhận hiện nay rất nhiều.
Nếu các quốc gia đông dân như Ấn Độ, Pakistan và Indonesia không nhanh chóng xét nghiệm, xác định và cách li những người nhiễm COVID-19, dịch bệnh sẽ rất dễ bùng phát và hệ thống y tế vốn nghèo nàn của các nước này sẽ có nguy cơ quá tải, dẫn tới nhiều thiệt hại về nhân mạng.
Ngay cả ở một nước được cho là hùng mạnh và có nền y tế phát triển như Mỹ, nhiều bệnh nhân COVID-19 đang hàng ngày phải bỏ mạng vì thiếu sự hỗ trợ của trang thiết bị máy móc. Tại tâm dịch New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã kêu gọi chính quyền liên bang hỗ trợ 17.000 máy thở nhưng chưa nhận được.
Vì vậy ông Cuomo đã bày tỏ cảm kích khi Trung Quốc cho biết sẽ gửi 1.000 máy thở tới New York để hỗ trợ chống dịch.
Một thước đo khác thay cho số ca dương tính
Ông Nigam Shah – Phó Giáo sư về Thống kê Y sinh tại Đại học Stanford cũng cho rằng Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm chỉ khoảng 4.300 không phải do dịch bệnh chưa lan rộng mà là vì nước này thiếu năng lực xét nghiệm.
Tương tự, con số 83.000 ca dương tính tại Trung Quốc trông chỉ như một sai số làm tròn với một quốc gia có 1,4 tỉ dân. Do đó, các nhà thống kê cho rằng việc Mỹ vượt qua Trung Quốc về số ca xác nhận nhiễm COVID-19 không hoàn toàn là do dịch bệnh tại Mỹ hoành hành mạnh hơn mà còn vì số xét nghiệm được thực hiện ở Mỹ nhiều hơn.
Ông Steve Goodman – Giáo sư Dịch tễ học tại Đại học Stanford nói: "Thống kê số người xét nghiệm dương tính với COVID-19 gần như là hoàn toàn vô nghĩa" ở Mỹ. Theo Giáo sư Goodman, có rất nhiều người có triệu chứng nhẹ và không đi khám hay xét nghiệm. Việc số ca dương tính tăng lên nhanh chóng ở Mỹ thời gian gần đây là hệ quả của cả hai hiện tượng: dịch bệnh lây lan và tăng cường xét nghiệm.
Nếu số liệu về các ca dương tính là không đáng tin cậy để đánh giá mức độ lây lan của dịch, vậy số liệu nào mới thực sự có ý nghĩa? Theo hai nhà thống kê Jacob Steinhardt (Đại học UC Berkeley) và Steve Yadlowsky (Đại học Stanford), một thước đo quan trọng là số bệnh nhân nhập viện.
Theo hai nhà nghiên cứu này, khi một bệnh nhân phải nhập viện vì các triệu chứng bệnh về hô hấp sẽ được lập tức lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và xác định xem có nhiễm COVID-19 hay không. Sau đó nhân số ca nhập viện này với tỉ lệ nhập viện/dương tính ở các quốc gia hay khu vực khác, các chuyên gia sẽ thu được số ca dương tính đang ở trong cộng đồng.
Giả sử bình quân khoảng 10% số ca nhiễm COVID-19 có biến chứng nặng cần phải nhập viện và một quốc gia có 2.000 người nhập viện được xác định dương tính, vậy tổng số ca nhiễm COVID-19 của quốc gia đó là 20.000.
Cách tính toán này có ưu điểm là áp dụng được trong trường hợp năng lực xét nghiệm của quốc gia bị hạn chế, không có điều kiện xét nghiệm đại trà để tầm soát trong dân cư.
Ngược lại, cách tính này có nhược điểm về độ trễ: Thông thường sau khi nhiễm bệnh khoảng 11-14 ngày thì bệnh nhân mới thấy ốm tới mức cần nhập viện, vì vậy số ca nhập viện vì COVID-19 ngày hôm nay phản ánh số ca nhiễm bệnh của 11-14 ngày trước. Nếu sử dụng số ca tử vong thì độ trễ sẽ tăng lên thành 21-25 ngày.
Ngoài ra, nếu số ca nhập viện quá lớn, các bệnh viện bị quá tải và phải từ chối bệnh nhân như ở một số địa phương của Trung Quốc, Italy, ... thì số liệu đầu vào sẽ không còn chính xác nữa.