|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng: Sẽ đến tay người dân trong tháng 4

23:26 | 14/04/2020
Chia sẻ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết phấn đấu để trong tháng 4 sẽ có một số đối tượng như bảo trợ xã hội, hộ người nghèo... được thụ hưởng chính sách từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng. Đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội cũng được triển khai ngay trong tuần này.

Tại buổi tọa đàm "Đối thoại - vượt qua đại dịch: Quyết định chưa có tiền lệ" phát sóng trên kênh VTV1 tối qua 13/4, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết gói an sinh xã hội qui mô 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ nhanh chóng đến tay người thụ hưởng trong tháng 4 này. 

Theo ông Dung, ngoài yêu cầu đúng đối tượng, công khai, minh bạch… thì việc triển khai cũng cần được thực hiện rất nhanh, sớm đến tay người thụ hưởng, không được để có độ trễ như một số chính sách khác.

Gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng: Sẽ đến tay người dân trong tháng 4 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Chúng tôi phấn đấu để trong tháng 4 sẽ có một số đối tượng như bảo trợ xã hội, hộ người nghèo... được thụ hưởng chính sách. Đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội cũng được triển khai ngay trong tuần này. 

Tôi cũng đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội và ngay trong tuần này khi Thủ tướng kí quyết định về tiêu chí và cách làm thì đơn vị nào, cá nhân có đầy đủ thủ tục chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội có thể trả lời ngay. 

Như vậy, về cơ bản, chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 4, nhất là gói hỗ trợ thực hiện 1 lần và chi trọn gói. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của hệ thống chính quyền địa phương. Thời điểm nào có hồ sơ, thì sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết", ông Dung nói.

Về xác định đối tượng lao động tự do nhận được hỗ trợ, Bộ trưởng cho biết: "Việc xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó, bởi khó định lượng được cái tiêu chí, công việc, nhưng là đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch lần này. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải làm. Phải tìm cách để làm sao làm nhanh nhất".

Để khắc phục được những khó khăn đó, trong dự thảo thông tư sẽ trình Thủ tướng vào ngày 15/4 này, dự kiến gồm có 7 nhóm lao động tự do bao gồm: Những người bán hàng rong quà vặt, làm xe ôm, thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe…

Trên cơ sở những đối tượng như vậy, sau khi có quyết định của Thủ tướng sẽ có thông tư của Bộ LĐTB&XH chi tiết hóa một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.

Đối với doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương cho người lao động, ông Dung cho biết cũng có những ràng buộc nhất định để tránh trục lợi. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được vay khi mà doanh nghiệp này đã trả 50% mức lương thì khi đó mới được vay vốn ưu đãi. 

Thứ hai, việc trả lương này không phải trả qua doanh nghiệp, mà trả thẳng cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho người lao động. Do đó doanh nghiệp khó có thể trục lợi được.

Theo ông Dung, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là phải minh bạch, công khai. Phải kiểm tra giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, khâu xét duyệt và cuối cùng khâu chi trả. 

K.Hà