|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một chính sách hào phóng đang giúp doanh nghiệp không sa thải lao động trong mùa dịch

05:51 | 04/04/2020
Chia sẻ
Nhân viên của các doanh nghiệp tham gia chương trình Kurzarbeit của Đức có thể được nhận tới 2/3 số lương chính thức kể cả khi họ không làm việc. Nhiều công ty lớn của Đức như hãng xe BMW và Volkswagen đã tận dụng sự trợ giúp này của chính phủ để tránh phải sa thải người lao động.
Đức: Nghỉ ở nhà vì COVID-19, người lao động vẫn được nhận 2/3 lương  - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: CNBC

Đối mặt với các khó khăn chồng chất từ đại dịch COVID-19, gần 500.000 doanh nghiệp tại Đức đã nộp đơn xin tham gia chương trình Kurzarbeit - "rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên" để nhanh chóng cắt giảm chi phí lương.

Theo CNBC, Kurzarbeit là chương trình hỗ trợ của chính phủ Đức được thiết kế để giúp doanh nghiệp vượt qua thời kì khó khăn mà không phải sa thải nhân viên hàng loạt, gây rắc rối cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Trong quá khứ, chưa bao giờ số đơn xin tham gia Kurzarbeit tại Đức lại tăng cao đến thế. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, chương trình này đã giúp giới doanh nghiệp Đức giữ được đội ngũ nhân sự và tái khởi động hoạt động rất nhanh khi tình hình kinh tế bắt đầu khởi sắc.

Theo chương trình Kurzarbeit, doanh nghiệp sẽ cho nhân viên tạm nghỉ việc ở nhà, hoặc cắt giảm đáng kể số giờ làm việc của họ. Trong thời gian này, người lao động được hưởng tối đa 2/3 mức lương chính thức.

Điều này đồng nghĩa với việc dù không làm việc nhưng người lao động vẫn nhận được 2/3 khoản tiền lương thông thường.

Doanh nghiệp có trách nhiệm ứng trước tiền để trả cho nhân viên, sau đó mới được chính phủ hoàn lại.

Sự hỗ trợ từ chương trình Kurzarbeit lớn hơn rất nhiều những gì người lao động Mỹ nhận được nếu bị cho tạm nghỉ việc. Họ không được trả lương mà chỉ được hưởng một số phúc lợi như bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ.

Ông Stefan Schneider, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank nhận xét: "Kurzarbeit là một công cụ tuyệt vời đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách này đảm bảo thu nhập cho người lao động, và giữ cho người sử dụng lao động có khả năng tiếp tục hoạt động kể cả khi nền kinh tế suy yếu thêm".

Hiệu quả của Kurzarbeit đã được chứng minh trong cuộc Đại Suy thoái. Trong năm 2009, mức tăng trưởng GDP của Đức là -5%, và có đến 1,1 triệu người lao động bị cắt giảm giờ làm việc. 

Chính phủ Đức phải tiêu tốn đến 10 tỉ euro (10,9 tỉ USD) để tài trợ chương trình Kurzarbeit. Nhưng đến cuối năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp của nước này là 7,6%; thấp hơn so với năm 2008.

Đức: Nghỉ ở nhà vì COVID-19, người lao động vẫn được nhận 2/3 lương  - Ảnh 3.

Lưu ý: Dữ liệu sơ bộ tháng 3/2020 chỉ bao gồm các đơn đăng kí trong tuần từ 21 đến 26/3.

Lần này, chính phủ Đức dự kiến sẽ có đến 2,35 triệu người tham gia chương trình Kurzarbeit. Văn phòng Lao động Liên bang Đức có thể sẽ phải bỏ ra hơn 10 tỉ euro (10,9 tỉ USD).  

Tuy nhiên, chính phủ Đức hoàn toàn đủ khả năng chi trả số tiền này, nhờ vào truyền thống tiết kiệm tiền mặt trong những thời kì nền kinh tế bùng nổ. Chỉ riêng Văn phòng Lao động đã dự trữ được 26 tỉ euro (28,34 tỉ USD) sẵn sàng sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank cảnh báo: "Trong cuộc khủng hoảng trước, hầu như chỉ những doanh nghiệp đứng đầu các ngành công nghiệp mới tham gia Kurzarbeit. Nhưng hiện nay, ngay cả những công ty dịch vụ nhỏ như nhà hàng và công ty tư vấn cũng sẽ đăng kí để nhận được sự hỗ trợ của chính phủ".

Rất nhiều tên tuổi lớn tại Đức như hãng hàng không Lufthansa, công ty sản xuất xe BMW, Volkswagen và Daimler đã tận dụng sự trợ giúp của chính phủ để giữ lại nhân viên lành nghề trong thời kì đại dịch COVID-19.

Tập đoàn Volkswagen cho đóng cửa hàng loạt nhà máy tại châu Âu và lên kế hoạch để 80.000 nhân viên tại Đức tham gia vào chương trình Kurzarbeit. Hãng sản xuất Daimler thì cắt giảm giờ làm của hầu hết 170.000 nhân viên tại Đức kể từ ngày 6/4.

Hôm 2/4, Lufthansa tuyên bố sẽ cắt giảm giờ làm việc của 87.000 nhân viên – gần 60% lực lượng lao động của hãng hàng không này. Tiền lương của nhân viên sẽ được chi trả theo chính sách của chương trình Kurzarbeit. Ngân hàng Deutsche Bank cũng đang cân nhắc kế hoạch tương tự.

Một số quốc gia châu Âu có thể sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ lao động kiểu như Kurzarbeit. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã gợi ý sẽ triển khai chương trình này tại các nước khác. Để làm vậy, EC có thể sẽ cần phải huy động tới 100 tỉ euro (109 tỉ USD).

Đương nhiên số tiền này sẽ cần được bảo đảm bởi chính phủ các nước thuộc EU. Điều này đồng nghĩa với việc Đức có thể phải gánh chịu tới 25% tổng số tiền.

Thay vì việc phải sử dụng "trái phiếu corona" - phát hành các công cụ nợ chung trên toàn khu vực đồng euro, chính sách Kurzarbeit có thể đem lại sự đoàn kết chung cho khối EU để ngăn chặn làn sóng sa thải hàng loạt tại các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19, ví dụ như Tây Ban Nha và Italy.

Tuy vậy, hệ thống Kurzarbeit vẫn có những nhược điểm. Verdi, một công đoàn lao động trong lĩnh vực dịch vụ, nói rằng trợ cấp của chính phủ không đủ lớn để giúp người lao động trong các ngành lâu nay trả lương thấp như khách sạn và nhà hàng.

Một số chủ doanh nghiệp nhỏ cũng chỉ trích chính sách Kurzarbeit, cho biết mình không đủ khả năng để chờ đợi nhiều ngày hoặc nhiều tuần để nhận được tiền bồi hoàn của chính phủ.

Bất chấp những thiếu sót trên, Kurzarbeit được kì vọng sẽ giúp ngăn ngừa tình cảnh số lượng người lao động thất nghiệp tăng vọt.

Ông Alexander Herzog-Stein, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Vĩ mô IMK của Đức nhận xét nếu chính quyền của bà Merkel thành công trong việc mở rộng chương trình cho lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do, thì "tỉ lệ thất nghiệp có thể sẽ chỉ tăng tương đối ít".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.