|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại Phong tỏa đáng sợ hơn Đại Suy thoái

11:38 | 16/04/2020
Chia sẻ
Ngày 14/4, IMF đã cập nhật dự báo kinh tế toàn cầu sau khi hàng loạt nước lớn trên thế giới phải đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh để đối phó với COVID-19. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra được cho là sẽ còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 và có thể chỉ xếp sau Đại Khủng hoảng 1929-1933.

Theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Cuộc "Đại Phong tỏa" sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm 3% trong năm nay - trái ngược rõ nét với dự báo tăng trưởng 3,3% mà cơ quan này đưa ra vào tháng 1, thời điểm đại dịch chưa "chạm ngõ" các cường quốc công nghiệp và nhiều thị trường mới nổi khác.

Trong khi đó, dưới tác động của Đại Suy thoái 2008 - 2009, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ giảm 0,1% trong năm 2009.

Đại Suy thoái không đáng lo bằng 'Đại Phong tỏa' - Ảnh 1.

Đại Suy thoái không đáng lo bằng Đại Phong tỏa. (Ảnh: Getty Images)

Bloomberg đã tổng hợp chia sẻ từ các chuyên gia về nền kinh tế thế giới trong cuộc "Đại Phong tỏa" hiện nay:

Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz - công ty mẹ của tập đoàn đầu tư trái phiếu Pimco

IMF đã đưa ra một trong những phân tích toàn diện và sâu sắc nhất về cuộc suy thoái đột ngột do COVID-19 gây ra.

Cơ quan này nhấn mạnh đúng về cách thế giới đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào chỉ sau vài tháng, bất ổn còn ở phía trước, năng lực phản ứng với đại dịch ngày càng khác nhau ở từng quốc gia, cán cân quyền lực bị phân tán nguy hiểm ra sao và một kết cục tồi tệ có rủi ro lớn đến đâu.

Tuy nhiên, dự báo kinh tế của IMF có vẻ còn quá lạc quan. Tâm lí lạc quan không chỉ xuất hiện ở một vài quốc gia mà bắt đầu từ Mỹ và châu Âu, sau đó mở rộng sang nhiều nước khác, cả nước phát triển lẫn đang phát triển.

Theo đó, mức tăng trưởng âm 3% của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể là một kịch bản khá tươi sáng.

Chúng ta nên hi vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng vẫn nên lập kế hoạch cho các tình huống bất ngờ hơn, đặc biệt là khi xét đến các nền kinh tế đang phát triển dễ bị tổn hại - nơi mà nguy cơ xảy ra thảm kịch đối với con người là quá cao.

Ông Bill Dudley - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York giai đoạn 2009 - 2018

Theo quan điểm của tôi, đây là một dự báo hợp lí. Tuy nhiên, IMF nên đánh giá tình hình nghiêm trọng hơn một chút khi mà bất ổn xoay quanh triển vọng kinh tế toàn cầu không chỉ tồn tại ở một thể duy nhất.

Một vài sự kiện bất ổn khác bao gồm: tính hiệu quả và bền vững của biện pháp giãn cách xã hội; diễn biến của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của đại dịch lên hành vi con người (thú đi du lịch, đi du thuyền, đến nhà hàng,...); thời điểm có vắc xin; và tác động của đại dịch đến chính phủ, hộ gia đình và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến cách tiết kiệm và quyết định chi tiêu trong tương lai.

Ở mỗi sự việc nêu trên đều tồn tại tính bất ổn nhất định và tất cả các khía cạnh này sẽ tương tác theo những cách rất phức tạp mà chúng ta không hoàn toàn lường trước được.

Ông Narayana Kocherlakota - Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis giai đoạn 2009 - 2015

Triển vọng tăng trưởng năm 2020 bản cập nhật của IMF khá tăm tối, trong đó dự đoán GDP của nền kinh tế Mỹ có thể giảm gần 6%. Triển vọng cơ bản cho năm 2021 tươi sáng hơn, tuy nhiên dự báo này được đưa ra theo giả định rằng "đại dịch sẽ lắng dịu trong nửa cuối năm 2020".

Kịch bản còn lại là COVID-19 và các can thiệp y tế cộng đồng nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch sẽ kéo dài đến năm 2021 và tôi thiên về phương án này hơn.

Dù vậy, các nước như Mỹ và Đức có thể đi vay ở mức lãi suất cực thấp. Các nước này có thể tận dụng hết công cụ tài khóa đó để củng cố nền kinh tế toàn cầu trong thời kì suy thoái trầm trọng thêm, bất kể kéo dài bao lâu, và tạo ra sức sống cần thiết để nền kinh tế phục hồi về sau.

Ông John Authers, biên tập viên cấp cao về thị trường của Bloomberg

Kinh tế toàn cầu giảm 3% là một kịch bản rất tồi tệ, trong năm Đại Suy thoái năm 2009, mức giảm chỉ là 0,1%.

Đáng lưu ý là chúng ta đã từng lo ngại về ít nhất một yếu tố trước cả khi COVID-19 bùng phát. Cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế toàn cầu vận hành trơn tru trong ba thập kỉ và suýt nữa kéo được tăng trưởng toàn cầu thoát khỏi ngưỡng âm trong năm 2009.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện không còn đáng tin cậy và tâm lí bi quan của IMF bị ảnh hưởng nhiều bởi cách Trung Quốc đang cố gắng xử lí quá trình chuyển đổi kinh tế của nước này.

Ngoài ra, như Bloomberg từng lưu ý, dự đoán kinh tế là một việc rất khó. IMF có xu hướng đánh giá thấp tăng trưởng và trong một bài phát biểu năm 2014, cơ quan này thành thật thừa nhận rằng dự báo của IMF không chính xác hơn hay kém chính xác hơn so với của các tổ chức tư nhân.

Ông Tim Duy - giáo sư kinh tế tại Đại học Oregon

IMF đúng khi cho rằng đây có thể là đợt giảm tốc mạnh nhất của nền kinh tế toàn cầu trong một thế kỉ qua. Dù vậy, phải thừa nhận rằng chúng ta đang chứng kiến sự hỗ trợ ấn tượng cả về qui mô và tốc độ của Mỹ, khi mà các nhà hoạch định chính sách gấp rút đặt một bệ đỡ dưới nền kinh tế.

Fed đã dốc sức để bảo vệ thị trường tài chính và ngăn chặn thị trường tín dụng sụp đổ, trong khi Quốc hội Mỹ tăng cường gói bảo hiểm thất nghiệp để tạo thêm phúc lợi cho người lao động. Quốc hội Mỹ cũng hỗ trợ miễn trả lãi khoản vay cho các công ty vừa và nhỏ nhằm khuyến khích họ không cắt giảm nhân sự.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng được bảo vệ và tiền sẽ vào túi chậm hơn mong muốn của chúng ta. Dù vậy, mức hỗ trợ đáng kể của chính phủ cho nền kinh tế Mỹ sẽ hạn chế đà giảm tốc. Cuối cùng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khởi động lại, và mặc dù còn lâu mới có vắc xin hay thuốc điều trị COVID-19, chúng ta vẫn đang hướng đến mục tiêu đó.

Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp và các cá nhân phải học cách chung sống cùng virus corona. Đồng thời, chính phủ Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ chính sách để thúc đẩy đà tăng trưởng ngay cả khi chúng ta đang đối mặt với một thực tế bình thường mới (new normal) của nền kinh tế.

Ông Noah Smith, cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Stony Brook

IMF hoàn toàn đúng khi cho rằng cú sốc kinh tế ban đầu do đại dịch COVID-19 gây ra có thể tồi tệ hơn cuộc Đại Suy thoái 2008. Tuy nhiên, cơ quan này đã đánh giá quá cao tốc độ phục hồi của nền kinh tế, vì ít nhất ba lí do sau:

Trước tiên, bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng. Đại Suy thoái ban đầu diễn ra ở Mỹ sau đó mới lan sang châu Âu. Đại dịch COVID-19 thì đang tấn công mọi ngóc ngách trên thế giới gần như cùng lúc.

Mọi nền kinh tế phát triển đều phải ban bố lệnh phong tỏa một phần hoặc trên qui mô toàn quốc và mọi nền kinh tế thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khi dòng vốn tháo chạy, giá hàng hóa sụt giảm và đại dịch đe dọa gây thiệt hại lớn.

Điều đó có nghĩa là ngay cả khi một số quốc gia bắt đầu phục hồi, đà tăng trưởng sẽ bị chững lại vì các nước khác còn đang chìm trong suy thoái.

Thứ hai, cuộc "Đại Phong tỏa" sẽ dẫn đến những thay đổi chính sách lâu dài, từ đó làm gián đoạn hệ thống kinh tế thế giới. Sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc tài chính và nỗ lực đưa chuỗi cung ứng quan trọng về nước sẽ phần nào đảo ngược quá trình toàn cầu hóa; cả mô hình kinh doanh và thị trường tài chính sẽ mất nhiều năm để điều chỉnh.

Thứ ba, chính quyền Tổng thống Trump đã phản ứng giật cục và thiếu hiệu quả trong cuộc khủng hoảng, cho thấy phản ứng chính sách điều hành của Mỹ sẽ vẫn yếu kém trong nửa cuối năm 2020. Đường lối chính sách ổn định hơn có thể xuất hiện vào năm 2021, nhưng đến lúc đó thì nhiều thời gian quí giá đã bị bỏ phí.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.