|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thư tín dụng trơn (Clean L/C) và thư tín dụng kèm chứng từ (Documentary L/C) là gì?

16:09 | 20/10/2019
Chia sẻ
Thư tín dụng trơn (tiếng Anh: Clean L/C) là loại thư tín dụng không qui định rõ những loại chứng từ hàng hóa hoặc các chứng từ tài chính, ngược lại với thư tín dụng kèm chứng từ (tiếng Anh: Documentary L/C).
clean l/c

Thư tín dụng trơn

Khái niệm

Thư tín dụng trơn (hay L/C trơn) trong tiếng Anh là Clean letter of Credit, viết tắt là Clean L/C.

Thư tín dụng trơn là loại thư tín dụng không qui định rõ những loại chứng từ hàng hóa hoặc các chứng từ tài chính mà người bán phải xuất trình hoặc không đưa ra các điều kiện và điều khoản liên quan tới chứng từ hàng hóa mà người bán phải tuân thủ để được thanh toán theo thư tín dụng.

Đặc điểm của L/C trơn

Đối với trường hơp này, hàng hóa được gửi trực tiếp tới cho người nhập khẩu (người mua) và việc thanh toán được thực hiện không có sự tham gia của các chứng từ tài chính và chứng từ khác có liên quan.

Theo qui định của UCP 600, trong phương thức này, ngân hàng phát hành chỉ thanh toán dựa trên các chứng từ mà người bán, sau khi giao hàng xong sẽ tạo lập và xuất trình phù hợp với các qui định trong L/C.

Và như vậy, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro khi phát hành thư tín dụng loại này và cần cân nhắc khi chấp nhận phát hành loại thư tín dụng trơn.

Thư tín dụng kèm chứng từ

Khái niệm

Thư tín dụng kèm chứng từ (hay L/C kèm chứng từ) trong tiếng Anh là Documentary Letter of Credit, viết tắt là Documentary L/C.

Thư tín dụng kèm chứng từ là loại thư tín dụng có qui định việc thanh toán có kèm theo các điều kiện và điều khoản cụ thể liên quan tới chứng từ hàng hóa, chứng từ tài chính và một số loại chứng từ khác.

Đặc điểm của L/C kèm chứng từ

Khác với thư tín dụng trơn, thư tín dụng kèm chứng từ bảo đảm quyền lợi cho ngân hàng phát hành hơn vì bộ chứng từ thuộc quyền kiểm soát của ngân hàng. 

Người nhập khẩu không thể nhận hàng nếu không kí chấp nhận thanh toán hối phiếu (đối với loại hối phiếu thanh toán sau) hoặc thực hiện thanh toán hối phiếu đó (đối với hối phiếu thanh toán ngay).

(Theo Giáo trình Tài trợ thương mại Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống kê)