Thoả thuận không nuốt lời (Gentlemen’s Agreement) là gì? Đặc điểm và hạn chế
Ảnh minh họa. Nguồn: TeePublic.
Thoả thuận không nuốt lời
Khái niệm
Thoả thuận không nuốt lời trong tiếng Anh là Gentlemen’s Agreement.
Thỏa thuận không nuốt lời là một thỏa thuận hoặc giao dịch không chính thức, được đưa ra chỉ bằng sự thống nhất chung về mặt quan điểm của các đối tác tham gia. Một thỏa thuận như vậy thường không chính thức, chỉ là thoả thuận miệng và không có tính ràng buộc về mặt pháp lí.
Mặc dù về bản chất là không chính thức, nhưng việc vi phạm thỏa thuận không nuốt lời có thể có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ kinh doanh, nếu một bên quyết định rút lại lời hứa của họ. Thỏa thuận không nuốt lời cũng có thể được gọi là "thỏa thuận của các quí ông" (gentlemen’s agreement).
Đặc điểm của Thoả thuận không nuốt lời
Thoả thuận không nuốt lời, được coi là một thoả thuận danh dự và nghi thức, dựa trên sự thống nhất giữa hai hoặc nhiều bên đối với việc thực hiện hoặc không thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Không giống như một hợp đồng ràng buộc hoặc thỏa thuận pháp lí, toà án quản lí sẽ không thể can thiệp nếu thoả thuận này bị phá vỡ.
Thoả thuận không nuốt lời thường được sử dụng trong thương mại và quan hệ quốc tế, cũng như trong hầu hết các ngành công nghiệp. Thoả thuận không nuốt lời đặc biệt phổ biến vào thời kì công nghiệp và vào nửa đầu những năm 1900, vì các qui định thường bị trì hoãn áp dụng trong các hoạt động kinh doanh mới. Các thỏa thuận như vậy được sử dụng để kiểm soát giá cả và hạn chế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp thép, sắt, nước và thuốc lá.
Hạn chế của thoả thuận không nuốt lời
Trong viễn cảnh xấu nhất, thỏa thuận không nuốt lời có thể được dùng để tham gia vào các hoạt động chống cạnh tranh, ví dụ như ấn định giá hoặc hạn ngạch thương mại. Vì thỏa thuận không nuốt lời là một thoả thuận ngầm, không cam kết giấy tờ hay hợp đồng ràng buộc pháp lí, nên nó có thể được sử dụng để tạo ra và áp đặt các qui tắc bất hợp pháp.
Kết quả cuối cùng, trong nhiều trường hợp, có thể là chi phí cao hơn hoặc sản phẩm chất lượng thấp hơn cho người tiêu dùng. Thậm chí, thoả thuận không nuốt lời còn có thể được sử dụng như một phương tiện để thúc đẩy các hành vi phân biệt đối xử, do chúng là những thoả thuận ngầm giữa những người cùng quan điểm.
Ngoài ra, các thỏa thuận không nuốt lời không có các biện pháp bảo vệ pháp lí tương tự như một hợp đồng chính thức, vì nó không chính thức và thường không được viết ra thành văn bản, và do đó khó thực thi hơn.
Ví dụ về Thoả thuận không nuốt lời
Tại Mỹ, năm 1907, một cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán đã tấn công nhiều ngân hàng đầu tư lớn dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Sự hoảng loạn đã khiến Tổng thống Theodore Roosevelt hợp tác chặt chẽ với ngân hàng J.P. Morgan để củng cố các ngân hàng, vì ông cho rằng làm như vậy sẽ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Tương tự, vào năm 1907, Morgan một lần nữa làm việc với Roosevelt để tạo ra một thỏa thuận không nuốt lời, cho phép US. Steel mua lại đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, Tennessee Than & Iron, theo một qui tắc không được viết thành văn bản và không có căn cứ. Điều này đã vi phạm Đạo luật Sherman.
Thỏa thuận không nuốt lời cũng có thể được thấy trong các hiệp ước thương mại và quan hệ quốc tế. Một ví dụ là Thỏa thuận không nuốt lời năm 1907 giữa Mỹ và Nhật Bản về việc giải quyết vấn đề nhập cư từ Nhật Bản và đối xử tệ với người nhập cư Nhật Bản ở Mỹ.
Thỏa thuận này chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, cho thấy Nhật Bản đồng ý không cấp hộ chiếu cho các cá nhân tìm cách nhập cư vào Mỹ để làm việc. Ngược lại, Mỹ cũng không cho phép phân biệt đối xử và phân biệt công dân Nhật Bản cư trú tại Mỹ.
(Theo Investopedia)