Thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm (Sunk Cost Dilemma) là gì?
Thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm
Khái niệm
Thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm trong tiếng Anh là Sunk Cost Dilemma.
Thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm là một thuật ngữ kinh tế mô tả sự khó khăn về mặt cảm xúc khi quyết định nên tiến hành hay từ bỏ một dự án, khi mà đã tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho nó, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
Việc cố gắng giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm đòi hỏi phải đánh giá xem liệu tiếp tục đầu tư có phải chỉ phí tiền hay không. Người thực sự hợp lí về mặt kinh tế sẽ chỉ xem xét các chi phí biến đổi, nhưng hầu hết mọi người đều tính đến yếu tố chi phí chìm vào các quyết định của họ một cách phi lí.
Bản chất của thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm
Chi phí chìm là những khoản chi không thể thu hồi được. Ví dụ, nếu nửa chừng lắp đặt gạch lót sàn nhà mới mà bạn thấy rằng mình ghét màu của nó, thì đó là chi phí chìm.
Bạn không thể trả lại phần gạch lót đã được lắp. Vấn đề nan giải là liệu có nên lắp đặt nốt phần còn lại và hi vọng bạn sẽ dần học cách thích nó, vì bạn ghét suy nghĩ mình sẽ mất số tiền đã bỏ ra, hoặc có nên chấp nhận chi phí chìm, tháo bỏ chúng và mua một loại gạch mới.
Chi phí chìm có thể xảy ra cả trong quá khứ và tương lai. Xem xét ví dụ về dịch vụ cáp và Internet. Khi đăng ký, có thể hợp đồng sẽ yêu cầu khách hàng không được hủy hợp đồng trong một vài năm, và giữ nguyên phí hàng tháng. Điều này nhằm ngăn chặn khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của bên khác có giá hấp dẫn hơn. Nếu quyết định hủy dịch vụ trước khi hợp đồng hết hạn, thì khách hàng có thể phải thanh toán hết phần còn lại của hợp đồng. Số tiền này được gọi là chi phí chìm.
Thế tiến thoái lưỡng nan của chi phí chìm và tính duy lí
Ví dụ: giả sử Jack là một giám đốc kinh doanh của một công ty tư vấn tài chính được thuê để xây dựng một ứng dụng phân tích tài chính; và sẽ nhận được 10 triệu USD vào cuối dự án. Jack xác định sẽ tốn tổng cộng 7 triệu USD để hoàn thành dự án trong một năm. Sau khi hoàn thành dự án, công ty sẽ lãi 3 triệu USD.
Tuy nhiên, trong tháng thứ 9, công ty gặp vấn đề khi xây dựng ứng dụng. Công ty đã chi 5,25 triệu USD cho dự án này và Jack phải quyết định sẽ tiếp tục hay hủy bỏ dự án. Jack ước tính rằng để khắc phục vấn đề này sẽ tiêu tốn thêm 1 triệu USD.
Cho dù giám đốc điều hành kinh doanh quyết định tiếp tục với dự án hay hủy bỏ nó, các chi phí cho 9 tháng hoạt động không thể được lấy lại. Điều này không liên quan đến quyết định, vì chỉ nên xem xét chi phí và doanh thu tiềm năng trong tương lai.
Nếu Jack hủy dự án, công ty sẽ chịu khoản lỗ 5,25 triệu USD và có doanh thu là 0 USD. Nếu tiếp tục với dự án, doanh thu trong tương lai của công ty là 10 triệu USD và chi phí trong tương lai chỉ là 2,75 triệu USD (1,75 triệu USD trong 7 triệu USD ban đầu cộng thêm 1 triệu USD để giải quyết vấn đề).
Công ty quyết định tiếp tục thực hiện dự án, nhận doanh thu 10 triệu USD và có lợi nhuận là 2 triệu USD.
Suy nghĩ hợp lí chỉ ra rằng mọi người nên tránh tính đến chi phí chìm khi quyết định một hành động trong tương lai. Mục tiêu của một quyết định là thay đổi quá trình của tương lai. Và vì không thể thay đổi chi phí chìm, một người nên tránh tính đến các chi phí đó khi lập quyết định.
(Tham khảo: Sunk Cost Dilemma; Why You Should Ignore Sunk Costs in Decision Making, Investopedia)