|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup được phán 99% sẽ chết, Shark Bình khuyên từ bỏ, chuyển giao lại cho các 'cá mập' kinh doanh hộ

08:01 | 07/06/2021
Chia sẻ
"Tôi khuyên thật với các bạn là startup của các bạn khó tồn tại, tôi nhìn lầ thấy chết rồi. Nếu muốn sống thì phải mời một đại gia vào giúp sức," Shark Bình khuyên AnHome.
'Startup chết' được Shark Bình khuyên dừng lại, chuyển giao cho cá mập kinh doanh hộ thay vì tự làm - Ảnh 1.

Hai nhà đồng sáng lập của AnHome (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trong tập 6 Shark Tank Việt Nam mùa 4 có sự xuất hiện của startup AnHome - một công ty chuyên nghiên cứu và phát triển thiết bị điện thông minh. Theo CEO Bùi Thành Ninh, nhu cầu sử dụng thiết bị điện thông minh của người tiêu dùng ngày càng cao, chưa kể đến những phiền toái về vấn đề an ninh và an toàn cháy nổ. 

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất  cũng gặp rất nhiều khó khăn với chi phí và thời gian nghiên cứu sản phẩm, vì thế AnHome ra đời để giải quyết các vấn đề đó, giúp chuyển đổi các sản phẩm truyền thống thành sản phẩm thông minh với giá chỉ từ 5 USD/thiết bị, ngoài ra AnHome còn cung cấp các giải pháp smarthome cho người dùng cuối, điều khiển qua điện thoại.

AnHome tập trung vào 2 nhóm khách hàng chính là B2B và B2C. Với B2B là nhà sản xuất các thiết bị điện truyền thống, cung cấp các module giúp khách hàng chuyển đổi từ sản phẩm truyền thống thành thiết bị thông minh, dòng doanh thu chính là việc bán các module.

Đối với các khách hàng B2C, AnHome cung cấp các giải pháp smarthome qua kênh phân phối. Theo CTO của AnHome, Nguyễn Phú Quảng, thị trường smarthome ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng với tỷ lệ tăng trưởng lên tới 63%/năm nhưng tỷ lệ sử dụng smarthome thì chỉ có 2,8% các căn hộ sử dụng, vì thế AnHome cho rằng đây là một thị trường tiềm năng. AnHome đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 100.000 USD cho 10% cổ phần.

CEO Bùi Thành Ninh cho biết từ đầu năm 2020, AnHome đã có doanh thu 1,5 tỷ đồng, còn tổng đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng, trong đó dành 2 tỷ đồng để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mẫu. 

Với con số trên, Shark Hưng cho rằng giải pháp này đã có từ lâu và không còn gì để phát triển. Ông nhận định điểm thú vị của startup AnHome là khả năng chuyển đổi sang smarthome, sử dụng kết nối không dây, phù hợp với những căn nhà cũ chưa lắp đặt smarthome. Shark Hưng ước tính một module rơi vào khoảng 200 - 300 triệu và việc doanh thu chỉ đạt 1,5 tỷ thì quá kém.

CEO Bùi Thành Ninh cho biết theo thống kê của AnHome, có trên 80% người dùng 20 -  45 tuổi sử dụng smarthome, độ tuổi 25 - 35 tuổi chiếm 60% nhưng có một ưu điểm là nhóm này đa phần có mức thu nhập ở tầm trung. Hiện tại, các giải pháp smarthome đa phần đều tập trung vào nhóm khách hàng cao cấp và đối với AnHome thì nhóm khách hàng này có ít đối thủ cạnh tranh hơn.

AnHome có mang tới một sản phẩm mẫu đã được thiết kế sẵn và chỉ cần cắm USD vào là có thể giúp chuyển đổi sản phẩm điện truyền thống thành sản phẩm thông minh, hiện giá bán 5 - 15 USD. Shark Phạm Xuân Phú phân tích với mỗi thiết bị điện truyền thống nếu cần chuyển đổi sang sản phẩm thông minh thì cần phải thêm bộ điều khiển và vì thế giá sẽ bị đội lên. Chính vì lẽ đó, các sản phẩm sẽ bị khó bán và cản trở việc kinh doanh.

Tiếp tục trả lời Shark Hưng, AnHome đặt ra kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt 6 - 10 tỷ đồng. CEO Bùi Thanh Ninh cho biết sản phẩm được AnHome nghiên cứu phát triển, sản xuất tại Việt Nam.

CTO Nguyễn Phú Quảng cho biết AnHome đã nhận ra một thị trường ngách khi tiếp cận các nhà sản xuất thiết bị truyền thống và giúp họ chuyển đổi sang thiết bị smarthome. Vị CTO cho biết điều này các nhà sản xuất đã để ý tới từ lâu, song thường thường sẽ nghĩ đến đơn vị ngoài để thực hiện nhưng điều đó chỉ ổn với phần cứng còn phần mềm sẽ gặp rất nhiều vấn đề. 

Ông Quảng cho rằng phần mềm luôn phải phát triển liên tục và cần có một đội ngũ để làm điều đó.

Về vấn đề cạnh tranh, CEO Bùi Thành Ninh cho biết phân khúc khách hàng của AnHome khác đối thủ và cả lĩnh vực B2B cũng gặp ít đối thủ cạnh tranh. Hiện AnHome đang làm việc với 3 nhà sản xuất nên doanh số mới chỉ gấp 2 - 3 lần, nếu được các shark đầu tư thì AnHome có thể đẩy doanh số lên gấp 5 - 10 lần.

Về tính ưu việt của sản phẩm, AnHome cho rằng các nhà sản xuất nếu dùng sản phẩm của họ thì sẽ có thể tạo thành hệ sinh thái của AnHome và có thể bán được các sản phẩm khác nữa. CEO Bùi Thành Ninh nhận định khi mua thiết bị smarthome thì cả nhà cần phải sử dụng ứng dụng để điều khiển thiết bị điện và việc phát triển gian hàng trên hệ thống ứng dụng sẽ giúp tiếp cận khách hàng nhanh hơn.

Shark Đỗ Liên cho rằng sản phẩm này đã có từ lâu và không có gì khác biệt, bà cho rằng sản phẩm này không thiết yếu. Vì nằm ngoài lĩnh vực yêu thích nên shark Liên không đầu từ. Shark Nguyễn Thanh Việt cũng không đầu tư vì phát triển chậm và định giá doanh nghiệp quá cao.

Shark Nguyễn Hòa Bình nhận xét AnHome là dân kỹ thuật đi kinh doanh, yếu về năng lực bán hàng. Shark Bình không thấy tiêu chí đầu tư của mình ở AnHome nên ông từ chối đầu tư. Thêm nữa, vị cá mập khuyên AnHome nên bán cho một ông lớn giỏi kinh doanh và chuyển sang tập trung vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Shark Phạm Thanh Hưng khá kỳ vọng với nền tảng thiết bị smarthome của AnHome nhưng ông lo ngại về vấn đề thẩm định sản phẩm và AnHome cũng kinh doanh quá kém. Điều đáng chú ý là Shark Hưng cũng đang cần một team phát triển sản phẩm thông minh, ông đề nghị 100.000 USD cho 45% cổ phần. Vị cá mập cho rằng AnHome đang cần khách hàng và ông có được điều đó.

 "99% mô hình kinh doanh này sẽ chết," Shark Nguyễn Xuân Phú nhận xét. Ông cho rằng hệ sinh thái của Sunhouse sẽ là bàn đạp giúp AnHome phát triển, vì thế vị cá mập đều nghị 100.000 USD cho 40% cổ phần với điều kiện nếu trong vòng một năm, team tiêu hết tiền thì phải làm việc cho Shark Phú để trừ nợ.

Sau vài phút thảo luận, AnHome lại đưa ra mức giá 100.000 USD cho 10% cổ phần, khi đạt mức KPI thì Shark Phú có quyền mua tiếp 30% cổ phần vào vòng sau với mức chiết khấu 30% cho vòng gọi vốn sau. Tuy nhiên, Shark Phú vẫn nhất quyết với đề nghị ban đầu, nếu như AnHome gọi vốn vòng sau mà có nhà đầu tư khác trả giá tốt hơn thì ông sẽ nhượng lại với mức chiết khấu 10%.

"Tôi khuyên thật với các bạn là startup của các bạn khó tồn tại, tôi nhìn lầ thấy chết rồi. Nếu muốn sống thì phải mời một đại gia vào giúp sức," Shark Bình khuyên AnHome. Sau khi nghe lời khuyên của Shark Bình, AnHome đã đồng ý với mức offer của Shark Phú.

Thùy Trang