Startup tự định giá 2 triệu USD bị Shark Bình chỉ trích: Có điên mới đầu tư
Với mong muốn tìm kiếm một nhà đầu tư có cùng mục tiêu giúp đỡ các bệnh nhân và nhân viên y tế, Nguyễn Văn Phong mang đến chương trình Shark Tank Việt Nam ứng dụng đặt lịch chăm sóc y tế tại nhà Blue Care.
Nguyễn Văn Phong kêu gọi số vốn đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần công ty, tương đương mức định giá 2 triệu USD sau đầu tư (post-money). Hiểu một cách đơn giản, Blue Care là ứng dụng hoạt động trên mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) với khả năng kết nối người bệnh và các nhân viên y tế.
Để gia nhập ứng dụng Blue Care, các nhân viên y tế cần nộp hồ sơ bao gồm bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề cùng với đó là phải tham gia đào tạo tối thiểu 3 ngày trong một tháng. Đã có 2.200 người dùng sử dụng dịch vụ, Blue Care hiện đang tập trung chủ yếu vào mảng dịch vụ mẹ và bé.
Blue Care đã bắt đầu có doanh thu từ ngày bắt đầu cung cấp dịch vụ vào ngày 1/4/2019. Đến tháng 11/2020, Blue Care chỉ còn cách điểm hoà vốn đúng 700 USD. Dù vậy, khi được hỏi về doanh thu vào tháng 3/2021, anh Phong lại tỏ ra khá bối rối và nói rằng chưa cập nhật kịp số liệu.
Có thể thấy, đây là một điểm trừ rất lớn dành của Blue Care trong hành trình gọi vốn. Theo Shark Bình, với một người làm kinh doanh, việc theo dõi số liệu thậm chí phải được thực hiện theo từng ngày.
Shark Bình tỏ ra khá gay gắt với Blue Care và cho rằng sự xuất hiện của Blue Care trong Shark Tank Việt Nam làm "phí thời gian của các Shark". Vị "cá mập" cho rằng việc không nắm rõ số liệu chỉ có hai khả năng: "startup cho vui" hoặc là "startup đã chết lâm sàng".
Shark Bình khẳng định "bị điên" mới đầu tư vào startup này. Trong khi đó, từ kinh nghiệm bản thân, Shark Liên cho rằng người bệnh thường tìm đến các bác sỹ quen về vấn đề sức khoẻ nên bà không đầu tư.
Shark Phú chia sẻ rằng ở giai đoạn đầu startup cần hiểu rõ về sản phẩm, khách hàng và nội tại doanh nghiệp. Trước thực tế của Blue Care, Shark Phú cũng từ chối đầu tư.
Shark Việt muốn đưa ra lời khuyên cho Blue Care về thách thức quản lý nhân sự là đội ngũ y bác sỹ tham gia. Vì mô hình bác sỹ gia đình này có nhiều rủi ro khiến bản thân Shark Việt cũng cảm thấy chưa tự tin để triển khai ở bệnh viện của mình.
Không nhận được đầu tư trong chương trình, CEO Nguyễn Văn Phong thừa nhận "chưa tìm thấy long mạch ở các Shark".