Ông chủ muối chấm Tây Ninh ra về tay trắng tại Shark Tank Việt Nam khi định giá doanh nghiệp 400 tỷ đồng
Chia sẻ về cái duyên với đặc sản Việt, ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Founder của Dh Foods chuyên sản xuất gia vị cho biết bản thân ông đã có nhiều năm sống ở nước ngoài và khi đó, để tìm được các sản phẩm đặc sản Việt Nam như cà pháo, nước mắm thì không hề dễ.
Ông cho biết trên kệ hàng của siêu thị ở Ba Lan, Cộng hòa Séc có rất nhiều gia vị đặc sản Thái Lan, Nhật Bản nhưng Việt Nam thì không có. Vì nhớ hương vị Việt nên ông Dũng từng phải đi hàng trăm km đến cộng đồng người Việt mới mua được.
Đến năm 2010, khi trở về Việt Nam làm việc, trong những lần đi công tác dọc Việt Nam, ông Dũng nhận thấy Việt Nam có rất nhiều gia vị đặc sản vùng miền nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, bao bì chưa bắt mắt nên ít được biết tới.
Việc trở về Việt Nam của ông ban đầu không liên quan tới phát triển Dh Foods sau này, mà xuất phát từ mối lương duyên với một người bạn học phổ thông. Ban đầu, ông chấp nhận đi làm thuê dù từng sở hữu nhà máy sản xuất mỳ ăn liền ở Ba Lan.
Cuối năm 2012, khi đó ông Dũng ở tuổi 50 đã bắt đầu khởi nghiệp với gia vị đặc sản Việt. Đến nay, nhiều sản phẩm của Dh Foods đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh, Đức Hà Lan. Đeo trên cổ một chiếc khăn của đội bóng Manchester United, ông Nguyễn Trung Dũng đến Shark Tank Việt Nam để gọi 12 tỷ đồng cho 3% cổ phần.
"Ngài Philip Kotler từng nói Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới và chúng tôi mong Dh Foods sẽ trở thành một góc gia vị trong bếp ăn đó", ông Nguyễn Trung Dũng nói.
Trả lời Shark Nguyễn Xuân Phú về bức tranh tài chính, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết trong 5 năm gần nhất, Dh Foods tăng trưởng trung bình 50%/năm, doanh thu gần nhất đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trong năm 2020 là 10%.
Về kế hoạch hoàn vốn, ông Dũng cho biết kể cả khi Dh Foods tăng trưởng chậm hơn với mức khoảng 30% thì đến năm 2025, các nhà đầu tư vẫn sẽ hoàn vốn và có lời. Điều này dấy lên các thắc mắc, Shark Phú cho rằng kể cả tăng gấp đôi doanh thu thì điều đó vẫn không thể được.
Nói sâu hơn, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết với 100 tỷ doanh thu, giá vốn chiếm xấp xỉ 50%, chi phí marketing do đại dịch nên chủ yếu tập trung đầu tư vào online nên chỉ chiếm 1,9%. CEO Nguyễn Trung Dũng cũng cho biết Dh Foods đã chi 4% chi phí logistic
CEO nói thêm trong năm vừa rồi Dh Foods đầu tư khá nhiều với một nhà máy mới diện tích 3000 m2 và nhà máy của đối tác gia công độc quyền 1500 m2. Thị trường của Dh Foods chiếm hơn 90% trong nước và 7% ở nước ngoài. Chi phí bán hàng năm vừa rồi gồm chi phí lương chiếm 10% và các chi phí về khuyến mãi chiếm 5 - 10%. Shark Phú cho rằng giá vốn chiếm đến 50% thì sẽ không có lãi.
Với chi phí Marketing chỉ chiếm 1,9% thì Shark Phú cho rằng không thể đủ để nhân rộng và duy trì thói quen người dùng, chưa kể việc phủ rộng thị trường thì chi phí bàn hàng cũng không hề nhỏ.
Với câu hỏi của Shark Đỗ Liên về việc đảm bảo gia vị sạch, CEO Nguyễn Trung Dũng cho biết Dh Foods sẽ mua từ những trang trại trồng nguyên liệu sạch và thuê bên thứ ba kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Về sản phẩm "ngôi sao" làm nên thương hiệu Dh Foods, ông Dũng cho biết đó là sản phẩm muối Tây Ninh. Ngoài ra, công ty cũng đã làm việc với YouTuber Quỳnh Trần JP, qua đó marketing sản phẩm tới người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bà Liên vẫn cho rằng sản phẩm của công ty hơi thiếu năng lực cạnh tranh.
Về lí do gọi vốn, ông Dũng suy nghĩ rằng nếu đi cùng với các "cá mập" thì sẽ đi nhanh hơn và xa hơn, khả năng phát triển của công ty trong mảng gia vị đặc sản Việt sẽ còn nhiều hơn.
Shark Phú đưa ra lời khuyên Dh Foods nên tạo ra một sản phẩm khác biệt để nhắc tới sản phẩm đều nghĩ ngay tới công ty, khi đó chi phí marketing sẽ rất rẻ. Vị cá mập cho rằng CEO đang đưa ra định giá cao hơn, nếu giảm xuống một nửa thì ông sẽ xem xét với một điều kiện trả lời được câu hỏi nâng quy mô sản xuất lên như thế nào, và giải quyết khó khăn ra sao.
CEO tự tin với máy móc và mục tiêu sản xuất nhiều sản phẩm thay vì tập trung vào một. Dh Foods tự hào khi bán sản phẩm muối cho người Nhật dùng. Song, Shark Bình cho rằng CEO phải mời gọi dựa trên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai chứ không thể bán niềm tự hào.
Sau cùng, Shark Hưng đưa ra đề nghị 12 tỷ đồng cho 15% (3% cho mỗi nhà đầu tư, nếu các cá mập khác đồng ý). CEO Nguyễn Trung Dũng từ chối và và đưa ra mức định giá mới là 12 tỷ đồng cho 5%, tương đương 1% cho mỗi nhà đầu tư. Cuối cùng, dàn "cá mập" đều không đồng ý và quyết định từ chối đầu tư.