|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Profile 'khủng' của bà Lê Diệp Kiều Trang

17:14 | 03/07/2023
Chia sẻ
Bà Lê Diệp Kiều Trang là cái tên nổi tiếng trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam.

Cái tên Lê Diệp Kiều Trang có lẽ không còn xa lạ với giới khởi nghiệp Việt Nam. Hiện tại bà Lê Diệp Kiều Trang đang là đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster, chuyên rót vốn vào các dự án khởi nghiệp có quy mô toàn cầu.

Danh mục hiện tại của quỹ có tới 47 công ty đang ở giai đoạn đầu (Pre-seed cho tới Series A), hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khoa học vật liệu, công nghệ sinh học công nghiệp, cảm biến/chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, digital health (y tế số).

Tên tuổi của bà Lê Diệp Kiều Trang bắt đầu được biết tới đầu tiên với vai trò Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc tài chính của Misfit, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Đây là công ty chuyên phát triển các thiết bị theo dõi sức khoẻ và công nghệ nhà ở.

Với đội ngũ nhóm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ, Misfit đã nhanh chóng trở thành công ty dẫn đầu thế giới về thiết bị đeo trong vòng chưa đầy ba năm, và cuối cùng đã được sát nhập vào Tập đoàn Fossil qua thương vụ trị giá 260 triệu USD.

 CEO LAB - một dự án mới của bà Lê Diệp Kiều Trang về chủ đề khởi nghiệp. (Ảnh chụp màn hình).

Trước khi gia nhập Misfit, bà Lê Diệp Kiều Trang là chuyên gia tư vấn tại McKinsey và chuyên viên ngân hàng đầu tư tại HSBC. Ngoài ra, bà Kiều Trang từng đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc Facebook Việt Nam trong vòng một năm.

Bà Trang cũng từng đảm nhiệm vị trí CEO GoViet (Gojek Việt Nam).

Bà Lê Diệp Kiều Trang (sinh năm 1980) có xuất phát điểm từ một gia đình làm kinh doanh với bố là ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), anh trai Lê Trí Thông là CEO CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ).

Bà Kiều Trang từng theo học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở TP HCM. Sau đó, bà tới học tại trường Oxford danh tiếng của Anh và đã học lên tới bằng MPhil (Khóa học nghiên cứu chuyên sâu ở một lĩnh vực cụ thể một cách độc lập và là bước đệm cho việc học lên cao hơn). Ngoài ra, bà Trang cũng đã hoàn thành chương trình MBA Sloan của Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT) ở Mỹ. 

Theo giới thiệu, bà Lê Diệp Kiều Trang hiện là Chủ tịch điều hành của Harrison.ai Việt Nam, một công ty công nghệ phần mềm tự động phân tích hình ảnh y tế và cung cấp hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực cho các chuyên gia y tế.

Bà Trang cũng tham gia HĐQT của Cookpad và Đại học Fulbright Việt Nam. 

Khởi nghiệp với Arevo

Năm 2020, bà Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng là Sonny Vũ tham gia vào công ty khởi nghiệp Arevo - chuyên cung cấp giải pháp in 3D bằng sợi carbon, với sản phẩm đầu tiên là xe đạp. Startup này đã gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD từ cộng đồng trên Indiegogo và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Cuối tháng 1/2021, bà Lê Diệp Kiều Trang đại diện Arevo nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon tại khu công nghệ cao TP HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn I trong quý IV năm 2022 và đưa giai đoạn II vào hoạt động 100% trong năm 2025. 

 Vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang. (Ảnh: Christy Le/Facebook).

Trên website bán hàng, xe đạp Superstrata do Arevo phát triển có giá từ 2.800 USD tới 3.500 USD (khoảng hơn 65 triệu đồng - hơn 82 triệu đồng). Tuy nhiên, dự án này đã chấm dứt hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP HCM.

Một dự án khác của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đang nhận được nhiều sự chú ý là sản xuất xe scooter hoàn toàn bằng sợi carbon có tên Scotsman của ông Sonny Vũ được giới thiệu là chiếc xe có trợ lực kép đầu tiên trên thế giới và đang trong giai đoạn nguyên mẫu, chưa sản xuất.

Đến nay, dự án đã thu hút 301 người ủng hộ với số tiền 612.798 USD. Có hai gói tuỳ chọn đóng góp là 2.900 USD cho xe Scotsman 1000 và 3.900 USD cho chiếc Scotsman 2000.

Trong dự án này, bà Lê Diệp Kiều Trang đóng vai trò COO, chồng bà giữ vị trí CEO. Theo cập nhật mới nhất trên trang Indiegogo, dự án này đã bị khóa gọi vốn với lý do là “chiến dịch đang được xem xét và không chấp nhận đóng góp”.

Thùy Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.