|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc khủng hoảng tiền mặt của các startup

07:10 | 07/11/2023
Chia sẻ
Chuyên gia cho biết khi nhiều nhà đầu tư mạo hiểm từ chối xuống tiền, những startup may mắn nhận được cái gật đầu sẽ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe. Ngược lại, với những công ty vốn hoạt động không tốt, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.

Theo tờ Business Insider, 2023 là một năm khá tàn khốc đối với các công ty khởi nghiệp. Nhiều nhà sáng lập đang tìm cách huy động vốn đầu tư mạo hiểm nhưng phải mất rất lâu để đạt được một thỏa thuận.

Dữ liệu từ nền tảng Carta chỉ ra một thực trạng tồi tệ đối với các công ty khởi nghiệp. Đó là trong quý III, thời gian giữa các vòng cấp vốn ngày càng dài hơn.

Đối với những công ty khởi nghiệp huy động được vốn trong vòng Series C vào quý III, thời gian trung bình kể từ lần cuối họ gọi vốn trong vòng Series B là 1.090 ngày, tương đương khoảng ba năm. Đối với những công ty khởi nghiệp đã thành công tại Series A, thời gian trung bình từ vòng hạt giống là 787 ngày, tức hơn hai năm.

Nhiều công ty khởi nghiệp trong số này đã huy động vốn lần cuối vào khoảng giữa năm 2020. Một số khác may mắn hơn khi vào đúng thời điểm ngành đầu tư mạo hiểm đang phục hồi sau cú sốc đại dịch hoặc gọi vốn được trong thời kỳ bùng nổ từ năm 2021 đến đầu năm 2022 .

Thời gian chờ đợi lâu hơn giữa các vòng cấp vốn không hoàn toàn quá ngạc nhiên vì nguồn tài trợ của VC (quỹ đầu tư mạo hiểm) năm nay là thấp nhất kể từ 2018. Với 36,7 tỷ USD, nguồn tài trợ trong quý III là tổng số tiền huy động được hàng quý thấp nhất trong hơn 5 năm qua ở Mỹ và Canada, theo dữ liệu của PitchBook.

Các nhà phân tích của PitchBook dự báo tình hình sẽ không có nhiều cải thiện trong quý IV. Họ viết trong báo cáo rằng:

“Nguồn cung vốn cho các startup luôn khan hiếm trong suốt cả năm. Không có kỳ vọng gì về việc giao dịch của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ sẽ thay đổi trong quý cuối năm và thị trường sẽ tiếp tục hoạt động như hiện tại".

 Startup Convoy từng được Bill Gates, Jeff Bezos hậu thuẫn đã phải đóng cửa. (Ảnh: The Infomation).

Do đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tiếp tục eo hẹp về vốn, khiến gần 51.000 công ty khởi nghiệp khan hiếm tiền mặt và dành thời gian nhiều hơn để thuyết phục các nhà đầu tư, ít nhất là tới năm 2024.

Khi nhiều nhà đầu tư mạo hiểm từ chối xuống tiền, những startup may mắn nhận được cái gật đầu sẽ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe, trong khi với công ty hoạt động không tốt, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ.

Các nhà phân tích của PitchBook nhận định: “Các công ty không thể đạt được các cột mốc quan trọng hoặc thể hiện sự tiến triển trên con đường tìm kiếm lợi nhuận sẽ gặp phải những trở ngại lớn trong tương lai”.

Sự tác động về dòng vốn này được Business Insider gọi là "Mùa tuyệt chủng của các công ty khởi nghiệp". Tuần trước, Olive AI - kỳ lân khởi nghiệp AI tập trung vào chăm sóc sức khỏe trị giá 4 tỷ USD, đã thông báo rằng họ sẽ bán bớt các mảng kinh doanh cốt lõi của mình và đóng cửa phần còn lại của công ty. 

Trước đó vài tuần, Convoy, công ty khởi nghiệp vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số từng được ca ngợi là “Uber dành cho vận tải đường bộ”,đã đóng cửa và bán công nghệ của mình cho đối thủ cạnh tranh Flexport.

Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Convoy Dan Lewis đã gọi điều kiện thị trường hiện tại là một “cơn bão hoàn hảo” nhằm đưa ra lời giải thích lý do tại sao công ty thất bại. Convoy đã huy động được 1,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư như Jeff Bezos, Bill Gates, Marc Benioff cùng nhiều nhân vật công nghệ nổi tiếng khác 

Lewis viết: “Bên cạnh sự sụp đổ thị trường vận tải hàng hóa chưa từng có này, việc thắt chặt tiền tệ mà chúng ta thấy trong 18 tháng qua đã làm giảm đáng kể ham muốn đầu tư, thu hẹp dòng vốn chảy vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn cuối không có lãi”.

Tờ Business Insider cho rằng sự sụp đổ của Olive AI và Convoy - một trong hai công ty khởi nghiệp có giá trị cao và vốn hóa tốt nhất cho đến nay, chỉ là khởi đầu cho các công ty ở giai đoạn cuối. Có thể họ sắp phải đối mặt với số phận tương tự.

Thùy Trang