|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Mỹ lấy vợ Việt Nam, đến Shark Tank 'không cần tiền, chỉ cần nhà máy', nhận đầu tư 2 tỷ đồng từ Shark Phú

07:10 | 17/05/2021
Chia sẻ
Mang tình yêu Việt Nam đến Thương vụ Bạc tỷ mùa 4, CEO Robert khiến dàn cá mập phải thể hiện khả năng tiếng Anh trôi chảy để giành deal.

Là nhà sáng lập đến từ nước ngoài tham gia Shark Tank - Thương vụ Bạc tỷ mùa 4, ông Robert Horwath, CEO Lock Cuff mang đến sản phẩm khóa phanh tay xe máy chống trộm - Cager Lock, tự tin Made in Việt Nam 100%, dù người phát minh đến từ Mỹ. 

Chia sẻ câu chuyện của mình, CEO Robert cho biết ông đã sống ở Việt Nam 6 năm và nhận thấy ở thị trường có hai loại khóa xe máy chính là khóa đĩa và khóa chữ U. Ông nhận ra điểm bất tiện của hai loại kể trên khi đặt dưới bánh và khiến phụ nữ gặp khó khi phải ngồi xuống mở khóa, chưa kể những vết bẩn sẽ bám vào, vì thế ông đã dành 4 năm để nghiên cứu và phát triển sản phẩm khóa phanh tay.

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Hòa Bình về giá sản phẩm, ông Robert cho biết khóa Cager được bán với giá 275.000 đồng/sản phẩm. Ông Nguyễn Xuân Phú tiếp nối với câu hỏi về chi phí làm ra một chiếc khóa, ông Robert từ chối trả lời nhưng tự tin cho biết giá vốn thực tế thấp hơn nhiều so với giá bán ra thị trường.

Ngoài ra, nhà sáng lập khẳng định Cager Lock có lợi cho môi trường như không có nhựa, không dùng giấy, vỏ bọc sản phẩm cũng có khả năng phân hủy trong môi trường, không có chất thải trong việc sản xuất.

CEO nước ngoài tuyên bố 'không cần tiền, chỉ cần nhà máy', 3 cá mập ra offer hấp dẫn nhưng trùm bán chảo chiếm lợi thế - Ảnh 1.

Lock Cuff, startup với CEO gốc Mỹ gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Ông Robert cho biết công ty bắt đầu bán ra thị trường từ 3/3/2021, sản phẩm đã có chứng nhận và tất cả đều được sản xuất tại Hà Nội. Lock Cuff đã sản xuất 500 chiếc và bán hết toàn bộ. 

Khi được hỏi về mức định giá, CEO Robert khiến dàn cá mập phải bối rối khi nói rằng "chưa nghĩ về điều đó", chính xác là CEO của Lock Cuff đến Shark Tank Việt Nam với mong muốn tìm cho mình một vị cá mập sẽ giúp ông trong việc sản xuất sản phẩm. Song, các shark vẫn cần một con số cụ thể và CEO Robert liền ra mức giá 2 tỷ cho 10% cổ phần.

Shark Nguyễn Xuân Phú, là Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse tự tin với thế mạnh sản xuất với nhà máy và nhân công, chưa kể đến hệ thống bán hàng, ra giá 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần. 

Không đứng ngoài cuộc chơi, cùng khả năng thương lượng bằng tiếng Anh, Shark Bình tham gia với đề nghị hỗ trợ ông Robert ở khả năng marketing và bán hàng trên khắp Việt Nam, thậm chí cả Đông Nam Á. 

Chủ tịch NextTech đưa ra đề nghị cho CEO Robert vay 100.000 USD với điều kiện sẽ lấy 2 USD/sản phẩm được bán ra, khi đạt lợi nhuận 1 triệu USD, Shark Bình sẽ lấy 0,5 USD/sản phẩm. Shark Bình đề nghị hợp tác với Lock Cuff như là đối tác cùng phát triển, thậm chí vị cá mập còn sẵn sàng đặt cọc tại chỗ 10%.

Vẫn chưa đáp ứng được mong muốn tìm nhà sản xuất cho mình, ông Robert khá phân vân trước đề nghị của Shark Bình. Chủ tịch NextTech nhanh trí trấn an rằng việc quan trọng nhất đối với startup là bán hàng, vì sản xuất hoàn toàn có thể thuê đơn vị khác thực hiện.

"Bạn không thể chọn tình yêu, chính tình yêu chọn bạn. Đây là sản phẩm được làm tại Việt Nam và nó sẽ ở lại Việt Nam", CEO Robert trả lời khi được Shark Liên hỏi về quyết định chọn Việt Nam khởi nghiệp. 

CEO Robert tự tin sản phẩm của ông hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam, dù nhận được đề nghị từ công ty khóa đến từ New Zealand. Tại đây, ông cũng tiết lộ bản thân tự hào khi có vợ con là người Việt.

Nói thêm về sản phẩm, nhà sáng lập chia sẻ rằng ông nhận thấy phụ nữ sẽ gặp rất nhiều bất tiện nếu mặc váy ngắn mà phải cúi xuống để mở khóa và ông không hề thích điều đó nên đã tìm cách tạo ra sản phẩm này. 

Nhận thấy điểm tinh tế của CEO Lock Cuff, bà Đỗ Thị Kim Liên tỏ ra hứng thú và quyết định chấp nhận mức giá 2 tỷ cho 10% cổ phần mà ông Robert đưa ra. Bà tự tin với khả năng sản xuất và cộng đồng phụ nữ có thể đáp ứng việc tiêu thụ sản phẩm. 

"Tôi có thể đáp ứng tất cả đề nghị của bạn, kể cả công nghệ của Shark Phú, bởi vì tôi có tiền và tôi đang có cộng đồng nữ", Shark Liên nói.

Ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng ông Robert quá lớn tuổi để khởi nghiệp. Ngoài ra, Chủ tịch Intracom nhận định việc Chính phủ đang không ủng hộ xe máy nên đã từ chối đầu tư. Trong khi, ông Phạm Thanh Hưng tỏ ra không hào hứng vì nằm ngoài lĩnh vực thế mạnh nên cũng đã từ chối đầu tư.

Tuy nhiên, Shark Hưng vẫn gợi ý cho startup về khả năng của Shark Phú trong lĩnh vực sản xuất thiết bị gia dụng tại Việt Nam. Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cũng tiếp lời với khi cho biết đằng sau ông có cả hệ thống nhà máy, thiết bị sản xuất và nhân công lên tới 2.000 người, Shark Phú tự tin hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của ông Robert.

Dù hào hứng với Shark Bình hơn nhưng lời đề nghị của Shark Phú đã thỏa mãn nhu cầu của mình, vì thế Lock Cuff quyết định chấp nhận đề nghị đầu tư từ Chủ tịch Sunhouse.

Thùy Trang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.