|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sản xuất sạch hơn (Cleaner Production) là gì? Nguyên tắc và phương pháp

20:33 | 22/10/2019
Chia sẻ
Sản xuất sạch hơn (tiếng Anh: Cleaner Production) được coi như câu trả lời cho câu hỏi đặt ra là: 'Làm thế nào để ngành công nghiệp có thể hoạt động theo hướng phát triển bền vững?'
81543f53bb748a1f_org

Hình minh họa (Nguồn: voice.daemen)

Sản xuất sạch hơn

Khái niệm 

Sản xuất sạch hơn trong tiếng Anh gọi là: Cleaner Production.

Sản xuất sạch hơn (SXSH) có nghĩa là việc áp dụng một cách có hệ thống các biện pháp phòng ngừa trong các qui trình, sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm mục tiêu tăng hiệu quả tổng thể. Điều này giúp cải thiện tình trạng môi trường, tiết kiệm chi phí, giảm rủi ro cho con người và cho môi trường. 

Đối với các qui trình sản xuất

SXSH bao gồm việc bảo quản nguyên liệu, năng lượng, loại bỏ các nguyên liệu độc hại, giảm bớt số lượng và mức độ độc hại của các chất thải gây ô nhiễm ngay từ giai đoạn trước khi chúng được thải ra môi trường

Đối với các sản phẩm 

SXSH chú trọng việc giảm bớt các tác động có hại trong suốt chu trình sản phẩm, ngay từ khi khai thác các nguyên liệu, cho đến khi giao nộp sản phẩm

Đối với các dịch vụ 

Phương pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường bao gồm từ khâu thiết kế, cải tiến việc quản lí nhà xuởng, đến khâu lựa chọn các loại đầu vào (dưới dạng các sản phẩm).

Trên thực tế SXSH có nghĩa là:

• Tránh hoặc giảm bớt lượng chất thải được sản sinh ra; 

• Sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng và nguyên vật liêu; 

• Sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ có lợi cho môi trường; 

• Giảm bớt lượng chất thải xả vào môi trường, giảm chi phí và tăng lợi ích.

Các nguyên tắc SXSH

- Nguyên tắc cảnh giác 

Nguyên tắc phòng ngừa không chỉ đơn giản là làm thế nào để không vi phạm pháp luật, mà còn có nghĩa là bảo đảm để người lao động được bảo vệ, không bị mắc các chứng bệnh khó chữa chạy, hoặc nhà máy tránh được những tổn hại không đáng có. 

Nguyên tắc cảnh giác đòi hỏi giảm bớt một phần sự can thiệp của con người vào môi trường. 

Điều này, đặt ra yêu cầu phải có sự thiết kế lại một cách căn bản hệ thống sản xuất và tiêu thụ trong ngành công nghiệp, cải thiện nếp cũ vẫn tồn tại cho đến nay đó là vẫn chủ yếu dựa vào việc tăng khối lượng sử dụng các nguồn nguyên vật liệu (Jackson Tim, 1993). 

- Nguyên tắc phòng chống

Nguyên tắc phòng chống cũng có tầm quan trọng không kém, đặc biệt trong các trường hợp một sản phẩm hay một qui trình công nghệ được sử dụng lại chính là nguyên nhân gây ra những tổn hại về mặt môi trường. 

Nguyên tắc phòng chống được sử dụng nhằm tạo ra những thay đổi ngay từ những khâu đầu tiên của hệ thống sản xuất hoặc tiêu dùng. 

Bản chất "phòng chống" của SXSH đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong khi cân nhắc các mẫu sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng, các mô hình tiêu thụ nguyên vật liệu, và thực tế là đòi hỏi phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với toàn bộ cơ sở vật chất của hoạt động kinh tế (Jackson Tim, 1993). 

- Nguyên tắc tích hợp

Tích hợp là việc áp dụng một cách nhìn tổng hợp đối với toàn bộ chu trình sản xuất và phương pháp trong việc thực hiện ý tưởng này, thông qua phân tích chu trình sống của sản phẩm. 

Một trong những khó khăn khi thực hiện cách tiếp cận phòng chống là việc tích hợp cùng một lúc nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, qua nhiều ranh giới khác nhau của hệ thống. 

Theo truyền thống, những qui định pháp lí của cách tiếp cận cuối đường ống thường được áp dụng bằng cách tìm kiếm những biện pháp tích hợp nhằm giảm bớt nhu cầu xả các chất thải vào môi trường. 

Những biện pháp này sẽ tạo ra sự bảo vệ có tính toàn diện cho môi trường với tư cách là một tổng thể (Jackson tim, 1993).

Các phương pháp SXSH

- Quản lí nhà xưởng tốt

Những qui định hợp lí về quản lí và tác nghiệp nhằm ngăn ngừa các chất ô nhiễm bị rò rỉ hoặc trào ra ngoài 

(ví dụ: Qui định thời gian biểu cho việc bảo dưỡng thường xuyên, hoặc thực hiện các cuộc duy tu thiết bị theo định kì) và bắt buộc thực thi các hướng dẫn về an toàn lao động hiện có (ví dụ: Thông qua việc giám sát kĩ càng, hoặc bằng cách tập huấn, vv...). 

- Thay thế đầu vào: 

Thay thế các vật liệu đầu vào bằng những vật liệu khác ít độc hại hơn, dễ tái tạo hơn, hoặc thêm vào các vật liệu phụ gia (ví dụ: Dầu bôi trơn, chất làm nguội máy móc, chất tẩy rửa, vv...) để tăng tuổi thọ cho sản phẩm. 

- Kiểm soát tốt hơn đối với qui trình sản xuất: 

Cải tiến quá trình làm việc, hướng dẫn sử dụng máy móc và thực hiện việc ghi chép theo dõi đầy đủ qui trình công nghệ nhằm đạt được mức hiệu quả sản xuất cao hơn, với mức phát thải thấp hơn và xả chất độc hại ít hơn. 

- Thay đổi trang thiết bị: 

Thay đổi các trang thiết bị hoặc vật dụng hiện có (Ví dụ: bằng cách bổ sung thêm vào dây chuyền các bộ phận đo lường hoặc kiểm soát nhằm đạt được hiệu quả cao hơn, với mức phát thải thấp hơn và xả chất độc hại ít hơn). 

- Thay đổi công nghệ: 

Thay thế công nghệ, thay đổi trình tự trong dây chuyền sản xuất, hoặc cách thức tổng hợp, nhằm giảm thiểu chất thải và chất gây ô nhiễm trong khi sản xuất. 

- Thay đổi sản phẩm: 

Thay đổi các tính chất đặc trưng của sản phẩm, nhằm giảm thiểu tác động độc hại của sản phẩm đó đối với môi trường, cả trước và sau khi sản phẩm được đưa vào sử dụng, hoặc làm giảm thiểu ảnh hưởng của việc sản xuất loại sản phẩm đó đối với môi trường. 

- Sử dụng năng lượng có hiệu quả: 

Năng lượng là nguồn đầu vào có khả năng gây ra các tác động môi trường rất đáng kể. Việc khai thác các nguồn năng lượng có thể gây tác hại đối với đất, nước, không khí, và đa dạng sinh học, hoặc là nguyên nhân làm phát sinh một số lượng lớn chất thải rắn. 

Những tác động môi trường phát sinh từ việc sử dụng năng lượng có thể được giảm bớt bằng cách sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, hoặc bằng cách thay thế nguồn năng lượng sạch hơn như mặt trời, năng lượng gió. 

- Tái chế, tái sử dụng ngay tại chỗ: 

Tái sử dụng các nguồn vật liệu bị thải ra ngay trong qui trình sản xuất đó, hoặc sử dụng cho các mục đích khác ngay trong phạm vi một doanh nghiệp hoặc công ty.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuyết Nhi