|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quản lí Nhà nước về môi trường (State management of environment) là gì? Nội dung và các nguyên tắc

16:58 | 22/10/2019
Chia sẻ
Quản lí Nhà nước về môi trường (tiếng Anh: State management of environment) là việc Nhà nước đưa ra các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kĩ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống quốc gia.
Environmental-Management-Systems-foundation-1

Hình minh họa (Nguồn: oldboypic)

Quản lí Nhà nước về môi trường

Khái niệm

Quản lí Nhà nước về môi trường trong tiếng Anh tạm dịch là: State management of environment.

Quản lí Nhà nước về bảo vệ môi trường xác định rõ chủ thể là Nhà nước, bằng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đưa ra các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kĩ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế - xã hội quốc gia. 

Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng Quản lí Nhà nước về môi trường xét về bản chất khác với những hình thức quản lí khác như Quản lí môi trường do các tổ chức phi chính phủ (NGO: Non Governmental Organization) đảm nhiệm; Quản lí môi trường dựa trên cơ sở cộng đồng; quản lí môi trường có tính tự nguyện…., 

Hình thức quản lí Nhà nước về môi trường chủ yếu là điều hành và kiểm soát (CAC: Comment And Control).

Nội dung quản lí Nhà nước về môi trường 

Tại điều 139 chương XIV Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam (2014) đã qui định nội dung quản lí Nhà nước về bảo vệ môi trường bao gồm: 

- Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật môi trường

- Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, qui hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường

- Tổ chức, xây dựng, quản lí hệ thống quan trắc; định kì đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường

- Xây dựng, thẩm định và phê duyệt qui hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường

- Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; quản lí chất thải; kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và phục hồi môi trường

- Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về môi trường

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thanh tra trách nhiệm quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử lí vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

- Đào tạo nhân lực khoa học và quản lí môi trường; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường

- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các nguyên tắc quản lí môi trường 

Các nguyên tắc quản lí môi trường, trước hết, phải phản ánh các yêu cầu khách quan của các qui luật tự nhiên, kinh tế và xã hội đang chi phối quá trình quản lí môi trường. 

Điều đó có nghĩa là muốn thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nguyên tắc quản lí môi trường, cần phải nghiên cứu, nhận thức và vận dụng các qui luật khách quan vào điều kiện cụ thể của đối tượng quản lí. 

Đối với nước ta, quản lí môi trường cần dựa vào những nguyên tắc sau đây: 

- Bảo đảm tính hệ thống

- Bảo đảm tính tổng hợp

- Bảo đảm tính liên tục và nhất quán

- Bảo đảm tập trung dân chủ

- Kết hợp quản lí theo ngành và quản lí theo lãnh thổ

- Kết hợp hài hoà các loại lợi ích

- Kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa quản lí tài nguyên và môi trường với quản lí kinh tế, quản lí xã hội

- Tiết kiệm và hiệu quả.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuyết Nhi