|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual property rights) là gì? Đặc điểm

11:07 | 21/09/2019
Chia sẻ
Quyền sở hữu trí tuệ (tiếng Anh: Intellectual property rights) là tổng hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáng tạo, sử dụng, định đoạt và bảo vệ tài sản trí tuệ.
ipr-agencies

Hình minh hoạ (Nguồn: economictimes)

Quyền sở hữu trí tuệ

Khái niệm

Quyền sở hữu trí tuệ trong tiếng Anh được gọi là intellectual property rights.

- Hiểu theo nghĩa khách quan: Quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáng tạo, sử dụng, định đoạt và bảo vệ tài sản trí tuệ.

- Hiểu theo nghĩa chủ quan: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền cụ thể của cá nhân, tổ chức là tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.

- Theo nghĩa là một quan hệ pháp luật: Quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ là những quan hệ xã hội giữa các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với nhau hoặc giữa những chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ với các chủ thể khác được pháp luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh.

- Tóm lại, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Lập luận bảo vệ

Lập luận để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

- Lập luận pháp luật tự nhiên: chủ thể sáng tạo sẽ có những quyền đối với tài sản trí tuệ do họ sáng tạo ra và xã hội phải thừa nhận cũng như bảo vệ những quyền này (dựa trên lí thuyết của Heghel về tài sản trí tuệ). 

- Lập luận bù đắp chi phí cho chủ thể sáng tạo: xã hội phải bù đắp những chi phí, nỗ lực sáng tạo của những chủ thể sáng tạo đã tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và cách thích hợp nhất là trao cho họ những độc quyền trong một thời hạn nhất định. 

- Theo lập luận khuyến khích sáng tạo: thừa nhận và bảo vệ những độc quyền của chủ thể sáng tạo nhằm khuyến khích những chủ thể này sáng tạo nhiều hơn. 

- Theo lập luận mở thông tin sáng tạo: xã hội được hưởng lợi từ việc sử dụng những đối tượng sở hữu trí tuệ khi chủ thể sáng tạo chấp nhận mở những thông tin về tài sản trí tuệ. Điều này coi như một sự trao đổi. 

Đặc điểm

- Khách thể của quyền sở hữu trí tuệ là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình.

- Theo truyền thống, quyền sở hữu trí tuệ được tạo thành bởi 2 bộ phận: quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp. 

Hiện nay, nhiều quốc gia qui định quyền sở hữu trí tuệ gồm 3 bộ phận: quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

- Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khó kiểm soát tài sản trí tuệ và khó ngăn chặn chủ thể khác khai thác, sử dụng loại tài sản này.

- Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được thực hiện thông qua việc thừa nhận hệ thống các quyền dành cho tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và các chủ thể liên quan khác.

- Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là quyền dân sự mà còn chứa đựng khía cạnh thương mại.

- Quyền sở hữu trí tuệ không phải là quyền tuyệt đối.

(Tài liệu tham khảo: Luật sở hữu trí tuệ, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica) 

Diệu Nhi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.