|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là gì? Chức năng và hoạt động

15:35 | 20/09/2019
Chia sẻ
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (tiếng Anh: World Intellectual Property Organization, viết tắt: WIPO) được lập ra để quản lí các điều ước quốc tế đa phương trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ khác nhau.
Invisible assets (7)

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trong tiếng Anh là World Intellectual Property Organization, viết tắt là WIPO.

Công ước thành lập tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới được kí tại Stockholm ngày 14/7/1967 và có hiệu lực từ ngày 26/4/1970. Đến 17/12/1974, WIPO trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, trụ sở của WIPO đóng tại Geneva, Thụy Sĩ. 

Tuy nhiên, tiền thân của tổ chức này đã tồn tại từ năm 1883 và 1886, cùng với việc thông qua Công ước Paris và Công ước Berne. Sau đó vào năm 1893 hai văn phòng này được hợp nhất thành BIRPI - các chữ cái đầu của tên gọi theo tiếng Pháp là Ủy ban quốc tế thống nhất về bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiền thân của WIPO sau này. 

Chức năng và hoạt động

Nhiệm vụ của WIPO là thông qua hợp tác quốc tế thúc đẩy việc sáng tạo, truyền bá, khai thác và bảo hộ các sản phẩm trí tuệ của con người phục vụ sự tiến bộ về xã hội, văn hóa và kinh tế của toàn nhân loại. 

Tác dụng của nó là đóng góp vào việc cân bằng giữa một bên là khuyến khích tính sáng tạo trên toàn thế giới bằng cách bảo hộ một cách đầy đủ các lợi ích vật chất và tinh thần của những người sáng tạo và một bên là bảo đảm sự tiếp cận hợp lí tới các lợi ích văn hóa, kinh tế - xã hội đem lại từ sự sáng tạo đó trên toàn thế giới. 

Sự cần thiết của việc thành lập WIPO

Sự cần thiết phải có một tổ chức quốc tế liên chính phủ để quản lí vấn đề Sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thế giới xuất phát từ bản thân những yếu tố rất đặc thù của các đối tượng này. Bởi quyền SHTT bị giới hạn bởi yếu tố lãnh thố, chúng tồn tại và được thực thi trong phạm vi lãnh thổ quốc gia theo qui định của pháp luật nước đó. 

Nhưng các sản phẩm trí tuệ, trong đó chứa đựng các ý tưởng sáng tạo, thường dễ dàng và cần phải được truyền bá từ nước này sang nước khác. 

Hơn nữa, ở một góc độ khác, với thực tế là pháp luật các quốc gia về SHTT ngày càng giống nhau thì nhu cầu phải đơn giản hóa công tác bảo hộ SHTT thông qua việc tiêu chuẩn hóa quốc tế hay hài hòa hóa pháp luật của các nước là một điều cần thiết và nên làm. 

Vì thế các chính phủ đã đàm phán và thông qua các điều ước quốc tế đa phương trong các lĩnh vực SHTT khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, tên của điều ước quốc tế được lấy từ địa điểm mà điều ước đó được kí lần đầu tiên (ví dụ như Công ước Paris, Công ước Berne,...) và WIPO được lập ra để quản lí các điều ước quốc tế này. 

Cơ cấu quản trị

Công ước thành lập WIPO qui định thiết chế này bao gồm bốn cơ quan: Đại hội đồng, Hội nghị, Ủy ban điều phối và Văn phòng quốc tế WIPO (hay còn gọi là Ban thư kí).

- Đại hội đồng là cơ quan tối cao của WIPO, bao gồm tất cả các quốc gia là thành viên của WIPO và cũng là thành viên của ít nhất một trong các Liên minh. 

- Hội nghị bao gồm tất cả các nước là thành viên của WIPO bất kể họ có là thành viên của một trong các Liên minh hay không.

- Ủy ban điều phối bao gồm các quốc gia thành viên của WIPO đồng thời là thành viên của Ủy ban điều hành của Liên minh Paris hoặc Liên minh Berne hoặc cả hai. 

- Văn phòng quốc tế WIPO hay còn gọi là Ban thư kí, đứng đầu cơ quan này là Tổng giám đốc. 

(Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

Lam Anh