Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual property protection) và các văn bản pháp luật
Hình minh họa (Nguồn: Yourstory).
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual property protection)
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Intellectual property protection.
Đại từ điển Tiếng Việt định nghĩa: "Bảo hộ: bảo vệ, che chở, bênh vực, không để tổn thất, thiệt hại".
Theo Từ điển Luật học: "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chế định của Bộ luật Dân sự về việc Nhà nước công nhận quyền sở hữu của tác giả các sáng tác trong lĩnh vực công nghệ bằng việc cấp văn bằng bảo hộ về các quyền, lợi ích, nghĩa vụ đối với sáng tác của mình trong thời gian bảo hộ".
Theo Sổ tay thuật ngữ pháp lí thông dụng: "Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là việc Nhà nước bảo đảm độc quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp cho cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ hoặc được chuyển giao văn bằng bảo hộ".
Từ đó, có thể xem bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc Nhà nước đảm bảo cho tổ chức, cá nhân quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo qui định của pháp luật.
Tựu chung, có thể hiểu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là các hoạt động của Nhà nước:
- Ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về quản lí sở hữu trí tuệ: xác lập quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, các qui định trong hoạt động chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, trong hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, trong hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ và trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
- Ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi bị các chủ thể khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các văn bản qui phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ
- Nhóm 1: Các văn bản qui định về điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Nhóm 2: Các văn bản qui định về thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng mà pháp luật bắt buộc phải đăng kí bảo hộ hoặc khi có yêu cầu của chủ thể quyền;
- Nhóm 3: Các văn bản qui định về nội dung, hạn chế quyền sở hữu trí tuệ;
- Nhóm 4: Qui định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền, thẩm quyền và các biện pháp của cơ quan nhà nước bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi có hành vi xâm phạm. (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)