Tính mới (Novelty) là gì? Tầm quan trọng của tính mới đối với sáng chế
Tính mới
Khái niệm
Tính mới trong tiếng Anh là Novelty.
Sáng chế thỏa mãn điều kiện về tính mới có nghĩa là sáng chế phải có một đặc tính mới mà không phải là một phần của trình độ kĩ thuật hiện tại trong lĩnh vực kĩ thuật tương ứng trên toàn thế giới (tính mới thế giới tuyệt đối).
Theo qui định tại Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ: "Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kì hình thức nào khá ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng kí sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng kí sáng chế được hưởng quyền ưu tiên".
Cụ thể, tính mới ở đây có nghĩa là trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, không có một sáng chế giống hệt nào được bộc lộ công khai trong những ấn phẩm trong nước cũng như nước ngoài, được sử dụng hoặc được biết đến rộng rãi dưới bất kì hình thức nào ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cũng như không có bất kì một đơn nào khác yêu cầu bảo hộ sáng chế giống hệt được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và được công bố sớm hơn ngày nộp đơn hay ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định.
Lưu ý rằng sự bộc lộ ở đây không hề có một sự giới hạn nào về vị trí địa lí, lãnh thổ hay ngôn ngữ thể hiện mà chỉ bị giới hạn về thời gian bộc lộ.
Ân hạn đối với việc bộc lộ không ảnh hưởng đến tính mới
Theo Khoản 3 Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ, một sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu có một trong số các trường hợp sau xảy ra trong vòng 6 tháng trước ngày nộp đơn:
- Bị người khác công bố mà không được phép của người nộp đơn;
- Được người nộp đơn công bố lần đầu tiên dưới dạng báo cáo khoa học;
- Được người nộp đơn trưng bày lần đầu tiên tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Tóm lại, yêu cầu hàng đầu để được cấp bằng sáng chế là tính mới. Sáng chế chỉ được coi là có tính mới khi thông tin về sáng chế đó chưa được bộc lộ. Do đó, các nhà sáng chế phải biết cách giữ kín sáng chế của mình. Trong trường hợp phải cho người khác tiếp cận thông tin về sáng chế thì những người này cũng bắt buộc phải giữ kín thông tin về sáng chế.
Ví dụ, trong trường hợp nhà sáng chế phải thuê các đại diện sở hữu công nghiệp để họ làm hồ sơ đăng lí sáng chế bao gồm làm đơn đăng kí bảo hộ, mô tả sáng chế, viết yêu cầu bảo hộ,... hay trong trường hợp nhà sáng chế tìm kiếm nhà đầu tư để thương mại hóa giải pháp kĩ thuật của sáng chế nên cũng cần phải tiết lộ với nhà đầu tư về sáng chế...
Trong các trường hợp như vậy, nhà sáng chế cần phải lí thỏa thuận giữ bí mật với các điều khoản qui định rõ nghĩa vụ giữ bí mật của họ với bên thứ ba về những giải pháp kĩ thuật mà nhà sáng chế đã bộc lộ cho họ.
(Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)