|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thế nào là tác giả (Author)? Chủ sở hữu quyền tác giả

17:09 | 09/08/2019
Chia sẻ
Tác giả (tiếng Anh: Author) là người trực tiếp sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ. Việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả là cơ sở quan trọng để thực hiện hoạt động bảo hộ quyền tác giả.
book-on-wooden-table

Hình minh họa (Nguồn: Adweek).

Tác giả (Author)

Tác giả - danh từ, trong tiếng Anh có thể được dùng bởi từ Author, hoặc một số chuyên ngành riêng có thể dùng writer, pen hoặc penman.

Hiện nay, việc coi pháp nhân có thể là tác giả hay không, không những có giá trị về mặt lí luận mà nó còn là cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả trong thực tế thực thi quyền tác giả, nhất là đối với các tác phẩm được hình thành thông qua giao kết hợp đồng.

Pháp luật về quyền tác giả hiện hành của Việt Nam qui định chỉ có cá nhân mới có thể là tác giả. Nghị định số 100/2006/NĐ-CP đã chỉ rõ:

"1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học bao gồm:

- Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;

- Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;

- Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;

- Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

2. Tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra sản phẩm không được công nhận là tác giả."

Pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ không định nghĩa thuật ngữ "đồng tác giả" mà mặc nhiên quan niệm trong trường hợp có từ hai tác giả trở lên cùng sáng tạo nên một sản phẩm thì họ là các đồng tác giả của tác phẩm đó.

Chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản, quyền công bố tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả nguyên thủy là tác giả, người chiếm hữu quyền tác giả theo luật dựa trên cơ sở sáng tạo ra tác phẩm, tuy nhiên chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời hoặc không đồng thời là tác giả.

Các đối tượng chủ thể của quyền tác giả

Trên cơ sở đó, chủ thể là chủ sở hữu quyền tác giả được qui định trong Luật sở hữu trí tuệ được phân thành các đối tượng chủ thể sau:

- Tác giả (đồng tác giả): là chủ thể sở hữu quyền tác giả trong trường hợp sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kĩ thuật của mình để sáng tạo ra sản phẩm.

Trong trường hợp đồng tác giả, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lâp mà không làm phương hại đến phần của đồng tác giả khác thì có quyền đối với phần riêng biệt đó.

- Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả tạo ra sản phẩm là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản và quyền công bố cho phép người khác công bố tác phẩm theo qui định.

- Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo qui định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu có các quyền tài sản, quyền công bố hoặc cho phép công bố tác phẩm.

- Quyền tác giả có thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thông qua hình thức chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng. 

- Quyền sở hữu quyền tác giả thuộc về Nhà nước trong các trường hợp:

Thứ nhất, trường hợp tác phẩm khuyết danh do các tổ chức, cá nhân đang quản lí thì tổ chức, cá nhân đó được phép chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh cho tổ chức, cá nhân khác và được hưởng thù lao từ việc chuyển nhượng quyền đó và tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền được hưởng quyền của chủ sở hữu đến khi danh tính tác giả được xác định.

Thứ hai, tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản.

Thứ ba, tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.

- Tác phẩm thuộc về công chúng trong trường hợp:

Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo qui định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ.

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm thuộc về công chúng nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả. (Theo Giáo trình Pháp luật Sở hữu Trí tuệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)


Khai Hoan Chu