Quản lí chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: eduCBA
Quản lí chất lượng toàn diện
Khái niệm
Quản lí chất lượng toàn diện trong tiếng Anh là total quality management, viết tắt là TQM.
Chất lượng toàn diện bao gồm nhiều chuẩn mực, nghĩa là từ kiểm tra chất lượng đến quản lí chất lượng.
Quản lí chất lượng sản phẩm là một tập hợp các hoạt động của chức năng quản lí chung nhằm xác định chính sách chất lượng, mục đích, trách nhiệm và thực hiện chúng bằng những biện pháp như lập kế hoạch chất lượng, điều khiển chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng trong khuôn khổ một hệ thống chất lượng.
Quản lí chất lượng toàn diện nhằm quản lí chất lượng trên qui mô tổng thể để thỏa mãn các nhu cầu bên trong và bên ngoài. Nó bao gồm chất lượng của thông tin, đào tạo, thái độ tác phong, cách cư xử, mục tiêu, tổ chức, mối quan hệ nội bộ giữa các phòng ban, những phương tiện, công cụ, điều kiện để thực hiện công việc, sản phẩm dịch vụ ở bên trong và bên ngoài...
Hiểu về quản lí chất lượng toàn diện
Quản lí chất lượng toàn diện là sự phối hợp chặt chẽ tất cả các biện pháp để quản lí mọi phương diện như: kĩ thuật, tài chính, văn bản, tài liệu, con người,... mà những biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho các sản phẩm dịch vụ làm ra đạt chất lượng (không phải bằng một sự ngẫu nhiên mà bằng các biện pháp thường xuyên kiểm soát, giám sát một cách chủ động của các doanh nghiệp.
Quản lí chất lượng toàn diện được định nghĩa trong ISO 8402 (TCVN 5814) như sau:
"Quản lí chất lượng toàn diện là cách quản lí của một tổ chức tập trung vào chất lượng, dựa vào sự tham gia của tất cả các thành viên của nó nhằm đạt được sự thành công lâu dài nhờ việc thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi ích cho các thành viên của tổ chức đó và cho xã hội".
Thuật ngữ quản lí chất lượng toàn diện đề cập tới nỗ lực của toàn bộ doanh nghiệp để đạt được chất lượng sản phẩm cao. Triết lí này đòi hỏi sự tham gia của mọi người từ trên xuống dưới. Triết lí này cũng gắn với sự tham gia của cả nhà cung cấp và cả khách hàng, trong đó khách hàng là điểm trung tâm, sự thỏa mãn khách hàng là động lực thúc đẩy và mục tiêu của nó là không ngừng cải thiện chát lượng.
(Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh khách sạn, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)