Phương pháp chỉ số đa yếu tố (Multiple Factor Index Method) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: imgbin)
Phương pháp chỉ số đa yếu tố
Khái niệm
Phương pháp chỉ số đa yếu tố trong tiếng Anh gọi là: Multiple Factor Index Method.
Các doanh nghiệp thường phải giải quyết vấn đề lựa chọn các địa bàn tốt nhất và phân bố ngân sách marketing một cách tối ưu cho các địa bàn khác nhau. Vì thế, họ cần ước tính nhu cầu thị trường khu vực.
Vì khách hàng của các doanh nhiệp cung ứng hàng tiêu dùng quá đông nên không thể áp dụng được phương pháp xây dựng thị trường. Phương pháp phổ biến được các doanh nghiệp cung ứng hàng tiêu dùng sử dụng để xác định tiềm năng thị trường của khu vực là phương pháp chỉ số đa yếu tố.
Theo phương pháp này, phải xác định được các yếu tố có mối tương quan với tiềm năng thị trường khu vực và kết hợp chúng thành một phương trình đa biến; mỗi biến kèm theo một trọng số thể hiện mức độ ảnh hưởng của yếu tố (biến số) đó tới mức tiêu thụ của thị trường khu vực.
Ví dụ:
Sức mua tương đối của một khu vực thị trường được xác định theo phương trình:
Bi= 0,5 yi + 0,3 ri + 0,2 pi
Trong đó:
Bi - Tỉ lệ % trong tổng sức mua của cả nước nằm ở khu vực i;
yi - Tỉ lệ % thu nhập cá nhân được sử dụng của cả nước bắt nguồn từ khu vực i trong tổng của cả nước;
ri - Tỉ lệ % trong doanh số bán lẻ của cả nước khu vực i;
pi - Tỉ lệ % trong dân số toàn quốc của khu vực i;
0,5; 0,3; 0,2 - trọng số của các biến yi, ri và pi.
Ngoài việc ước tính tổng cầu trên thị trường và thị trường khu vực, các doanh nghiệp còn cần phải ước tính được mức tiêu thụ thực tế của toàn ngành.
Qua đó, doanh nghiệp có thể phát hiện được đối thủ cạnh tranh và mức tiêu thụ của họ bằng cách so sánh mức tiêu thụ của mình với toàn ngành, doanh nghiệp có thể đánh giá được thực trạng kinh doanh của mình và xu thế mà họ phải đối mặt trên thị trường.
Ví dụ, mức tiêu thụ của doanh nghiệp A tăng 5%/năm, còn mức tiêu thụ của ngành tăng 10%/năm. Như vậy, doanh nghiệp này thực sự đã mất dần vị thế của mình trên thị trường trong ngành đó.
Các số liệu ước tính về lượng bán ra (mức tiêu thụ) trong toàn ngành có thể được thu thập qua các công bố của bộ chủ quản, hiệp hội thương mại hoặc các tổ chức nghiên cứu marketing.
(Tài liệu tham khảo: Marketing căn bản, GS.TS. Trần Minh Đạo, 2018, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)