|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp chi phí du hành (Travel Cost Method) là gì?

10:17 | 20/09/2019
Chia sẻ
Phương pháp chi phí du hành (tiếng Anh: Travel Cost Method) là một phương pháp đánh giá giá trị của những tài nguyên và dịch vụ môi trường không có giá thị trường.
1-15688867715701267460368-15688881772351082395830

Hình minh họa (Nguồn: shutterstock)

Phương pháp chi phí du hành

Khái niệm

Phương pháp chi phí du hành trong tiếng Anh gọi là: Travel Cost Method - TCM.

Phương pháp chi phí du hành được dùng để ước lượng nhu cầu đối với các cảnh quan, nơi vui chơi giải trí, từ đó xác định giá trị cho những cảnh quan này.

Ví dụ minh họa

Giả sử chúng ta muốn ước lượng nhu cầu của một cảnh quan thiên nhiên để đo lường giá trị của nó đối với người tiêu dùng. 

Như các bạn đã học trong Kinh tế vi mô, thông thường nhu cầu (Q) của một người đối với hàng hóa phụ thuộc vào giá của hàng hóa đó (P), giá của hàng hóa thay thế (PY), thu nhập của người đó (I) và biến số giải thích thị hiếu Z.

Q = f(P, PY, I, Z)

Phương pháp chi phí du hành nhận thức rằng giá đầy đủ mà người ta phải trả cho một hàng hóa chẳng hạn như điểm tham quan lớn hơn giá vé vào cửa. Chi phí này phải bao gồm cả chi phí đi và về, chi phí cơ hội của thời gian đi, chi phí cơ hội của thời gian lưu lại điểm tham quan…

Giá vé vào cửa thường là như nhau với mọi người và có khi bằng 0 nếu miễn phí. Tuy nhiên, tổng chi phí của mỗi người rất khác nhau vì các thành phần chi phí khác rất khác nhau. Chính sự khác nhau này cho phép người ta thiết lập nên đường cầu đối với điểm tham quan. 

Đường cầu này không phải là đường cầu thông thường với số lần tham quan Q là hàm số của giá vé vào cửa Q = f(P) mà là đường cầu đảo, tức là tổng chi phí tham quan là hàm số của số lần tham quan TC = f(Q). 

Các bạn lưu ý là chi phí tham quan ở đây ngoài giá vé vào cửa còn bao gồm những chi phí khác như đã nói ở phần trên. Đường cầu này cho thấy người ta sẵn sàng trả bao nhiêu cho một chuyến tham quan.

Các bước tiến hành như sau:

(1) Chọn ngẫu nhiên một số người tại điểm tham quan.

(2) Thông qua một bảng câu hỏi tại chỗ được phân phát ở cổng rừng hay tại bãi giữ xe hay trực tiếp hỏi họ về số lần tham quan trung bình trong một năm, thời gian đi lại, chi phí cơ hội của thời gian, chi phí của điểm tham quan thay thế, thu nhập của họ… ảnh hưởng đến nhu cầu. 

Để đơn giản ta giả định các yếu tố như thu nhập, thị hiếu... gọi chung là các yếu tố phi giá được giữ nguyên. Chúng ta có thể xác định mối tương quan giữa chi phí tham quan và số lần tham quan. 

Từ đó thiết lập đường cầu bằng cách thay đổi giá cả cho một cuộc tham quan và xem trung bình một du khách có bao nhiêu cuộc tham quan. 

Sử dụng thông tin này, chúng ta có thể ước lượng chi phí giải trí trung bình của một du khách đối với địa điểm này, tức là ước lượng được hàm cầu của một cá nhân đối với việc tham quan địa điểm này. 

Nhân nó với số lượng du khách hàng năm cho phép chúng ta ước lượng được tổng giá trị giải trí hàng năm của cảnh quan. 

Ví dụ 1: Giả sử chúng ta nhận thấy rằng khi lệ phí vào cửa vượt quá 15 ngàn đồng thì cá nhân sẽ không muốn tham quan nữa, lệ phí vào cửa tối đa mà người ta đồng ý chi trả cho lần tham quan thứ 2 là 8,5 ngàn đồng. 

Giá sẵn lòng trả cho những lần tham quan sau đó giảm dần, ví dụ như 4 ngàn đồng cho lần tham quan thứ ba, 2 ngàn đồng cho lần tham quan thứ tư và chỉ 0,5 ngàn đồng cho lần tham quan thứ năm. Cá nhân sẽ chỉ đến tham quan lần thứ 6 nếu được miễn phí. 

Như vậy trong thực tế nếu không thu vé vào cửa, trung bình mỗi cá nhân sẽ tham quan 6 lần trong một năm.

Số lần tham quan (1)

WTP (2)

Giá phải trả (ngàn đồng) (3)

Giá trị thặng dư tiêu dùng (ngàn đồng) (4)

1

15

0

15

2

8,5

0

8,5

3

4

0

4

4

2

0

2

5

0,5

0

0,5

6

0

0

0

Tổng cộng

30

0

30

Tổng giá trị = tổng giá phải trả + tổng giá trị thặng dư tiêu dùng

Biểu diễn trên đồ thị các kết hợp giá cả và số lần tham quan chúng ta sẽ có được đường cầu D đối với cảnh quan. Đường cầu cho thấy số lần tham quan của cá nhân đối với điểm tham quan như một hàm số của phí vào cửa. 

Ở bất kì thời điểm nào, tất cả các cá nhân sẽ phải trả cùng một mức giá khi vào cửa. Bây giờ chúng ta có thể tính toán tổng giá trị của các cuộc tham quan bằng tổng số tiền mà cá nhân đồng ý chi trả cho tất cả các lần tham quan. 

15 + 8,5 + 4 + 2 + 0,5 + 0 = 30 ngàn đồng

Trên thực tế, mọi người được tự do vào tham quan không tốn tiền (không có ràng buộc về cung) nên giá thực tế mà người tiêu thụ phải trả là bằng 0. Chúng ta có thể tính được tổng giá trị thặng dư tiêu dùng là sự khác biệt giữa tổng giá trị và giá thực phải trả là 30 – 0 = 30 ngàn đồng.

Ở đây chúng ta có thể thấy rằng, đối với các hàng hóa không có giá, tổng giá trị thặng dư bằng với tổng giá trị của hàng hóa đó. Đây chính là trường hợp thường có đối với các hàng hóa môi trường. 

Giá 1 lần tham quan

ppcpdh

Hình 1

Trong hình 1 tổng giá trị luôn luôn được biểu thị bằng diện tích nằm dưới đường cầu AB, khi đó, chỉ đối với các hàng hóa không có giá, tổng giá trị này cũng bằng với tổng giá trị thặng dư tiêu dùng.

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển- TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh- ThS Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)

Tuyết Nhi