|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích lĩnh vực (Sector Analysis) là gì? Đặc điểm và cách tiếp cận

16:06 | 23/06/2020
Chia sẻ
Phân tích lĩnh vực (tiếng Anh: Sector Analysis) là việc đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế và tài chính trong một lĩnh vực nhất định của nền kinh tế.
Phân tích lĩnh vực (Sector Analysis) là gì? Đặc điểm và cách tiếp cận - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Sector analysis)

Phân tích lĩnh vực

Khái niệm

Phân tích lĩnh vực trong tiếng Anh là Sector Analysis.

Phân tích lĩnh vực là việc đánh giá tình hình và triển vọng kinh tế và tài chính trong một lĩnh vực nhất định của nền kinh tế.

Phân tích lĩnh vực để cung cấp cho nhà đầu tư một phán đoán về việc các công ty trong lĩnh vực này dự kiến sẽ hoạt động tốt như thế nào.

Phân tích lĩnh vực thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư chuyên về một lĩnh vực cụ thể hoặc bởi những người sử dụng phương pháp phân tích từ trên xuống (Top-down investing).

Theo phân tích từ trên xuống, các lĩnh vực hứa hẹn nhất được xác định trước, và sau đó nhà đầu tư xem xét các cổ phiếu trong lĩnh vực đó để xác định những ngành nào cuối cùng sẽ được chọn mua.

Chiến lược luân chuyển ngành (Sector roatation strategy) có thể được sử dụng bằng cách đầu tư vào các cổ phiếu cụ thể hoặc bằng cách sử dụng các quĩ ETF theo từng lĩnh vực.

Đặc điểm của Phân tích lĩnh vực

Phân tích lĩnh vực cho rằng một số lĩnh vực nhất định hoạt động tốt hơn ở các giai đoạn khác nhau trong chu kì kinh doanh.

Đầu chu kì kinh doanh là giai đoạn hưng thịnh (Expansion), ví dụ, lãi suất thấp và tăng trưởng bắt đầu tăng. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư hoặc nhà phân tích thực hiện phân tích lĩnh vực sẽ tập trung nghiên cứu về các công ty được hưởng lợi từ lãi suất thấp và tăng cường đi vay. Các công ty này thường hoạt động tốt trong thời kì tăng trưởng kinh tế. Chúng bao gồm các công ty trong lĩnh vực tài chính và hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Cuối một chu kì kinh tế, nền kinh tế co rúm và tăng trưởng chậm lại. Các nhà đầu tư và nhà phân tích sẽ chuyển sự chú ý của họ sang nghiên cứu các lĩnh vực có tính phòng thủ, chẳng hạn như các tiện ích và dịch vụ viễn thông. Những lĩnh vực này thường vượt trội trong thời kì suy thoái kinh tế.

Hai cách tiếp cận Phân tích lĩnh vực

Hai cách tiếp cận phổ biến để phân tích lĩnh vực là cách phân tích từ trên xuống và phân tích luân chuyển ngành

Phân tích từ trên xuống

Các nhà đầu tư sử dụng phân tích từ trên xuống để phân tích lĩnh vực trước tiên sẽ tập trung vào các điều kiện kinh tế vĩ mô để tìm kiếm các công ty có tiềm năng vượt trội. Họ bắt đầu bằng cách xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô có tác động lớn nhất đến phần lớn nhất của dân số và nền kinh tế, như tỉ lệ thất nghiệp, sản lượng kinh tế và lạm phát.

Sau đó, họ đi sâu vào để tìm ra những lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong điều kiện kinh tế hiện hành. Cuối cùng, họ phân tích các nguyên tắc cơ bản của các công ty trong các lĩnh vực đó để xác định các cổ phiếu mang lại tiềm năng lợi nhuận tốt nhất trong tương lai.

Phương pháp luân chuyển ngành

Các nhà đầu tư và quản lí danh mục đầu tư sử dụng cách tiếp cận luân chuyển ngành để luân chuyển các khoản đầu tư của họ vào và ra khỏi các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Họ mua và bán tùy thuộc vào chu kì của thị trường và xu hướng ảnh hưởng đến lợi nhuận của lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác.

Các chu kì thị trường này có thể là theo mùa, chẳng hạn như đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ trước kì nghỉ cuối năm để tận dụng lợi thế của các cổ phiếu được hưởng lợi từ doanh số tiêu dùng tăng.

Nhà đầu tư có thể luân chuyển cổ phiếu theo chu kì (Cyclical stock) và cổ phiếu phòng thủ (Defenseive stock) tùy thuộc vào vị trí hiện tại của nền kinh tế trong chu kì kinh doanh.

Phân loại lĩnh vực kinh tế

Trong chiến lược luân chuyển ngành, nhà đầu tư có thể định nghĩa các ngành theo nhiều cách khác nhau. Nhưng một nguyên tắc phân loại thường được sử dụng là Chuẩn phân ngành toàn cầu (GICS).

GICS bao gồm 11 lĩnh vực, được chia thành 24 nhóm ngành, 68 ngành và 157 tiểu ngành.

Ví dụ, lĩnh vực mặt hàng chủ lực tiêu dùng bao gồm ba nhóm ngành: 1) bán lẻ thực phẩm và mặt hàng chủ lực, 2) thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, và 3) sản phẩm gia dụng và cá nhân.

Các nhóm ngành này được chia nhỏ thành các ngành công nghiệp, ví dụ thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, sau đó được chia thành các ngành công nghiệp phụ.

Việc luân chuyển ngành không nhất thiết phải giới hạn trong các lĩnh vực. Họ có thể chọn tập trung các nhóm ngành, ngành hoặc tiểu ngành.

(Theo Investopedia)

Minh Hằng