Chu kì kinh doanh (Business Cycle) là gì? Các giai đoạn của một chu kì kinh doanh
Hình minh họa. Nguồn: marketing91
Khái niệm Chu kì kinh doanh (Business Cycle)
Chu kì kinh doanh còn được gọi là chu kì kinh tế, trong tiếng Anh là business cycle hoặc economic cycle, trade cycle.
Chu kì kinh doanh là một loại dao động được nhận thấy trong những hoạt động kinh tế tổng hợp của một hay nhiều quốc gia, được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế.
Một chu kì kinh tế bao gồm các quá trình mở rộng sản xuất diễn ra gần như đồng thời trong rất nhiều các hoạt động kinh tế, tiếp theo là các giai đoạn giảm sút, thu hẹp và phục hồi, gắn với chu kì mở rộng tiếp theo. Quá trình này diễn ra liên tiếp nhưng với độ dài ngắn khác nhau từ một năm tới 10 hay 12 năm.
Bên cạnh đó, còn có quan niệm gắn chu kì kinh doanh với vòng quay của đồng tiền. Theo đó người ta hiểu chu kì kinh doanh của doanh nghiệp là khoảng thời gian kể từ khi xuất tiền mua các nguồn lực ngắn hạn (nguyên vật liệu, nhiên liệu,...) đưa vào sản xuất cho đến khi sản phẩm được sản xuất xong, bán được và thu tiền về. Khái niệm này được sử dụng nhiều trong các tính toán kế hoạch, tính toán chi phí kinh doanh.
Các giai đoạn của Chu kì kinh doanh
Một chu kì kinh doanh bao gồm ba giai đoạn cơ bản là:
Giai đoạn hưng thịnh: giai đoạn này cho thấy một sự gia tăng trong đầu tư đồng thời diễn ra ở rất nhiều các hoạt động kinh tế; ở giai đoạn này GDP tăng trưởng một cách mạnh mẽ.
Giai đoạn suy thoái: là giai đoạn chứng kiến sự sụt giảm trong GDP thực, nhìn chung các hoạt động kinh tế có xu hướng thu hẹp và giảm sút, nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, tạm ngưng hoạt động và thậm chí đóng cửa doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng có một số quan điểm cho rằng đối với các doanh nghiệp chuẩn bị khởi sự kinh doanh hoặc mở rộng đầu tư nếu chọn giai đoạn này để tiến hành đầu tư hoặc mở rộng đầu tư cũng có nhiều thuận lợi cho chi phí đầu tư đang tương đối thấp và sẽ ổn định sản xuất để chờ giai đoạn phục hồi trong tương lai gần.
Giai đoạn phục hồi: là giai đoạn trong đó GDP tăng trở lại bằng mức ngay trước suy thoái. Khi GDP thực tế tiếp tục tăng và ở mức cao hơn mức ngay trước suy thoái, nền kinh tế bắt đầu đi vào giai đoạn hưng thịnh của một chu kì kinh tế tiếp theo.
Sơ đồ một chu kì kinh doanh điển hình.
Chu kì kinh doanh của doanh nghiệp
Chu kì kinh doanh có thể được xem xét ở phạm vi cụ thể hơn như chu kì kinh doanh của sản phẩm, chu kì kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có vòng đời riêng của nó và có tính chu kì, trong mỗi giai đoạn doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Vượt qua những thách thức đó luôn gắn liền với hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp tại mỗi thời kì.
Giai đoạn hình thành: đây là giai đoạn khởi nghiệp của các ý tưởng kinh doanh.
Giai đoạn bắt đầu phát triển: doanh nghiệp bắt đầu quá trình cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ra thị trường.
Giai đoạn phát triển nhanh: các vấn đề khó khăn về tài chính của doanh nghiệp cơ bản được giải quyết.
Giai đoạn trưởng thành: tại mức này thị phần được chia sẻ cho các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Đây là giai đoạn thu hoạch sau một thời gian dài đầu tư và cố gắng không ngừng.
Giai đoạn suy thoái: sẽ diễn ra nếu doanh nghiệp không bắt đầu thực hiện các điều chỉnh cần thiết ngay từ giai đoạn trước đó. Doanh thu và lợi nhuận giảm dần cho đến khi không còn lợi nhuận.
Chu kì kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân
Các doanh nghiệp dù ở trong các ngành nghề kinh doanh khác nhau và với qui mô khác nhau cũng đều phải trải qua các giai đoạn phát triển này. Thực tế, việc không thể sống sót sau giai đoạn đầu tiên hay không thể phát triển đến giai đoạn đỉnh cao đối với một số doanh nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra.
Như vậy, có bao nhiêu giai đoạn trong vòng đời của doanh nghiệp và thời gian diễn ra mỗi giai đoạn hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và chiến lược tái cấu trúc, thậm chí tái lập doanh nghiệp khi đối mặt với những khó khăn trong từng giai đoạn đó.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)