Mô hình kinh doanh (Business Model) là gì?
Mô hình kinh doanh là gì? (Hình minh họa. Nguồn: Disruptive Advertising)
Khái niệm Mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh trong tiếng Anh gọi là Business Model. Đây là một thuật ngữ bắt đầu phổ biến vào những năm 90 của thế kỉ 20 và ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu học thuật cũng như nghiên cứu ứng dụng.
Đây là một khái niệm trừu tượng và chưa có một sự thống nhất nào của các nhà nghiên cứu, mỗi người lại tiếp cận mô hình kinh doanh theo mục đích nghiên cứu riêng của mình. Do đó, mô hình kinh doanh được hiểu theo rất nhiều cách khác nhau.
Trong số đó, mô hình kinh doanh có thể được định nghĩa như sau:
"Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp là một đại diện đơn giản hóa lí luận kinh doanh của doanh nghiệp đó. Nó mô tả doanh nghiệp chào bán cái gì cho khách hàng, làm sao doanh nghiệp tìm đến và thiết lập quan hệ với khách hàng, qua những nguồn nào, những hoạt động và đối tác nào để đạt được điều đó và cuối cùng là, doanh nghiệp đó tạo ra lợi nhuận bằng cách nào". (Theo "How to Describe and Improve your Business Model to Compete Better", 2004 của Alexander Osterwalder)
hoặc "Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp là một kế hoạch hay một hình mẫu mô tả doanh nghiệp đó cạnh tranh, sử dụng những nguồn lực, các quan hệ với khách hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào để tồn tại và phát triển". (Theo "Entrepreneurship: Successfully Launching New Ventures", 2005 của Bruce R. Barringer, R. Duane Ireland)
Các yếu tố cấu thành mô hình kinh doanh
Sơ đồ (1): Mô hình kinh doanh. Nguồn: Supporting Business Model Modelling: A Compromise between Creativity and Constraints, 2010
Một mô hình kinh doanh thường đóng vai trò trung gian trong việc kết nối giữa hai lĩnh vực đầu vào kĩ thuật (Technical inputs) và đầu ra kinh tế (Economics outputs) của một doanh nghiệp. Để thực hiện được điều đó, một mô hình kinh doanh cần phải bao gồm 4 trụ cột với 9 nhân tố sau đây:
- Quản trị cơ sở hạ tầng (Khu vực hoạt động): hoạt động chính, năng lực cạnh tranh cốt lõi và mạng lưới đối tác
- Sản phẩm (Khu vực sản phẩm/Dịch vụ): giá trị đề nghị
- Khách hàng (Khu vực khách hàng): khách hàng mục tiêu, kênh phân phối và quan hệ khách hàng
- Tài chính (Khu vực tài chính): cấu trúc chi phí và mô hình doanh thu
Nhìn vào sơ đồ (1), ta thấy mô hình này được chia làm 4 khối, trong đó:
1. Khu vực hoạt động bao gồm 3 nhân tố: Các nguồn lực chính, mạng lưới đối tác và các hoạt động chính.
Các nguồn lực chính: hay còn gọi là khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Trong một lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp muốn thành công thì phải có một số năng lực cốt lõi nhất định, chính những nguồn lực này tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mạng lưới đối tác: bao gồm những tổ chức có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp. Các đối tác hợp tác với nhau để chia sẻ, bổ sung và khuếch đại các nguồn lực của nhau để tạo ra năng lực cạnh tranh bổ sung mới.
Các hoạt động chính: để thực hiện một mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện một số hoạt động chủ chốt. Doanh nghiệp có thể tự thực hiện các hoạt động này hoặc thông qua một mạng lưới đối tác khác.
2. Khu vực sản phẩm/dịch vụ: Giá trị đề nghị
Khu vực này gồm một nhân tố đề xuất về giá trị hay tuyên bố về giá trị. Đó là lời khắng định về giá trị/lợi ích của sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ đem lại cho khách hàng. Điều này sẽ thu hút khách hàng và khiến cho khách hàng bỏ tiền ra để tiêu dùng sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ. Đề xuất giá trị này sẽ phác họa ra những gói sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể cho từng phân khúc khách hàng của doanh nghiệp.
3. Khu vực khách hàng bao gồm 3 nhân tố: Phân đoạn khách hàng mục tiêu, kênh phân phối và quan hệ khách hàng
Phân đoạn khách hàng mục tiêu: là đối tượng khách hàng chính mà doanh nghiệp hướng đến, chính những khách hàng này quyết định sự sống còn của doanh nghiệp thông qua hành vi mua hàng. Mô hình kinh doanh cần phải mô tả rõ và thể hiện sự thấu hiểu đối với mỗi nhóm khách hàng mục tiêu và nhận biết được nhóm khách hàng tiềm năng cũng như nhu cầu của họ.
Kênh phân phối: là kênh mà doanh nghiệp thông qua đó để bán sản phẩm, dịch vụ; là sự kết nối giữa doanh nghiệp, những đề xuất giá trị của doanh nghiệp với khách hàng của nó. Kênh phân phối và liên lạc ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn trong việc thiết kế mô hình kinh doanh. Một kênh phân phối hiệu quả là một sự khác biệt lớn và tạo lợi thế tốt cho doanh nghiệp cạnh tranh.
Quan hệ khách hàng: là hình thức kết nối, tương tác, sợi dây gắn kết giữa doanh nghiệp với khách hàng. Việc quản trị mối quan hệ khách hàng trong mô hình kinh doanh là điều cốt yếu để thỏa mãn sự mong đợi của khách hàng. Khách hàng ở các phân khúc khác nhau sẽ có những mong muốn khác nhau về mối quan hệ với doanh nghiệp.
4. Khu vực tài chính bao gồm hai nhân tố: Cấu trúc chi phí và doanh thu.
Cấu trúc chi phí: những chi phí cần thiết mà doanh nghiệp phải chịu khi vận hành mô hình kinh doanh. Đây là kết quả từ các thành phần khác nhau của mô hình hay nói cách khác mỗi chi phí có thể truy ngược lại từ các thành phần khác nhau của mô hình kinh doanh.
Doanh thu: là nguồn mà qua đó doanh nghiệp sẽ có được thu nhập từ khách hàng nhờ giá trị tạo ra và những hoạt động tiếp xúc với khách hàng. Các nguồn doanh thu này đến từ một hoặc một vài phân khúc khách hàng, những người sẵn sàng trả tiền cho những giá trị mà họ nhận được từ doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)