Phân tích đầu vào - đầu ra (Input-Output Analysis) là gì?
Hình minh họa
Phân tích đầu vào - đầu ra
Khái niệm
Phân tích đầu vào - đầu ra trong tiếng Anh là Input-Output Analysis, viết tắt là I-O Analysis.
Phân tích đầu vào - đầu ra là một phương pháp phân tích kinh tế vĩ mô dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành trong nền kinh tế.
Phương pháp này thường được sử dụng để ước tính tác động của các cú sốc kinh tế tích cực hoặc tiêu cực và phân tích các tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế.
Phương pháp phân tích kinh tế này ban đầu được phát triển bởi Wassily Leontief (1905 - 1999), người đã giành giải Nobel về Kinh tế cho công trình của mình trong lĩnh vực này.
Nền tảng của phân tích đầu vào - đầu ra liên quan đến các bảng đầu vào - đầu ra. Các bảng như vậy bao gồm một loạt các hàng và cột dữ liệu định lượng chuỗi cung ứng cho tất cả các lĩnh vực trong một nền kinh tế.
Các ngành được liệt kê trong dòng tiêu đề của mỗi hàng và mỗi cột. Dữ liệu trong mỗi cột tương ứng với mức đầu vào được sử dụng trong hàm sản xuất của ngành đó.
Ví dụ: cột cho sản xuất ô tô liệt kê các tài nguyên cần thiết để chế tạo ô tô (ví dụ: thép, nhôm, nhựa, điện tử, v.v.).
Mặc dù phân tích đầu vào - đầu ra không được sử dụng phổ biến bởi kinh tế học tân cổ điển hoặc bởi các cố vấn chính sách ở phương Tây, chúng được sử dụng trong phân tích kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Ba loại tác động kinh tế
Các mô hình đầu vào - đầu ra xem xét ba loại tác động: tác động trực tiếp, tác động gián tiếp và tác động gây ra. Bằng cách sử dụng các mô hình đầu vào - đầu ra các nhà kinh tế có thể ước tính sự thay đổi đầu ra giữa các ngành do sự thay đổi đầu vào của một hoặc nhiều ngành cụ thể.
Tác động trực tiếp của một cú sốc kinh tế là dẫn đến sự thay đổi trong chi phí ban đầu. Ví dụ, xây dựng một cây cầu sẽ tiêu tốn chi phí cho xi măng, thép, thiết bị xây dựng, lao động và các yếu tố đầu vào khác.
Tác động gián tiếp hay tác động thứ yếu được tạo ra do các nhà cung cấp đầu vào thuê nhân công để đáp ứng nhu cầu công việc.
Tác động gây ra hay còn gọi là tác động cấp ba xảy ra do công nhân của các công ty cung cấp mua thêm các hàng hóa và dịch vụ.
Phân tích đầu vào - đầu ra cũng có thể được thực hiện ngược lại, để xác định xem ảnh hưởng nào đến đầu vào là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong đầu ra.
Ví dụ về phân tích đầu vào - đầu ra
Một chính quyền địa phương muốn xây dựng một cây cầu mới và cần phải xác minh chi phí đầu tư. Để làm như vậy, họ thuê một nhà kinh tế để thực hiện một nghiên cứu phân tích đầu vào - đầu ra.
Nhà kinh tế nói chuyện với các kĩ sư và công ty xây dựng để ước tính cây cầu sẽ có giá bao nhiêu, vật tư cần thiết và công ty xây dựng sẽ thuê bao nhiêu công nhân. Ông ta chuyển đổi thông tin này thành các số liệu và áp dụng chúng vào mô hình đầu vào - đầu ra để tìm ba mức độ tác động.
Tác động trực tiếp chỉ đơn giản là các số ban đầu được đưa vào mô hình, ví dụ, giá trị của các yếu tố đầu vào thô (xi măng, thép, v.v.). Tác động gián tiếp là các công việc được tạo ra bởi các công ty cung ứng như công ty xi măng và thép. Tác động gây ra là số tiền mà công nhân mới chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.
(Theo investopedia)