|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích doanh nghiệp (Company analysis) là gì?

09:29 | 16/10/2019
Chia sẻ
Phân tích doanh nghiệp (tiếng Anh: Company analysis) là một qui trình bao gồm phân tích về tình hình tài chính, sản phẩm, dịch vụ và chiến lược cạnh tranh của công ty.
GettyImages-172258583-56a6946f5f9b58b7d0e3ae8c

Hình minh họa. Nguồn: thebalance

Phân tích doanh nghiệp

Khái niệm

Phân tích doanh nghiệp trong tiếng Anh là Company analysis.

Phân tích công ty là một qui trình bao gồm phân tích về tình hình tài chính, sản phẩm, dịch vụ và chiến lược cạnh tranh của công ty (kế hoạch của công ty để đối phó với các mối đe dọa và cơ hội do môi trường bên ngoài đưa ra).

Phân tích công ty diễn ra sau khi nhà phân tích hiểu được tác động môi trường bên ngoài đến công ty, kinh tế vĩ mô, nhân khẩu học, chính phủ, công nghệ và xã hội ảnh hưởng đến cấu trúc cạnh tranh của ngành.

Chiến lược cạnh tranh của công ty

Nhà phân tích nên tìm cách xác định chiến lược cạnh tranh chính của công ty: chiến lược chi phí thấp hay chiến lược khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ.

Trong chiến lược chi phí thấp, các công ty phấn đấu trở thành nhà sản xuất chi phí thấp và giành thị phần bằng cách cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh. Công ty đạt mức lợi nhuận vượt trội dựa trên doanh thu đạt được cao hơn.

Trong trường hợp cạnh tranh khốc liệt, công ty có thể bán phá giá hủy diệt nhằm mục đích để "tiêu diệt" đối thủ, mở rộng thị phần, sau đó có thể tăng giá để tạo ra lợi nhuận cao hơn trước.

Mặc dù đã có các luật liên quan đến việc chống bán phá giá, nhưng trong hầu hết các trường hợp, khó có thể qui định chính xác chi phí của sản phẩm, dịch vụ để chứng minh rằng việc bán phá giá đang xảy ra.

Các công ty theo đuổi chiến lược chi phí thấp phải có sự kiểm soát chi phí chặt chẽ, hệ thống báo cáo và vận hành hiệu quả và sự khuyến khích ban quản trị một cách hợp lí. Ngoài ra, họ phải phải có khả năng đầu tư vào thiết bị cải thiện năng suất với chi phí vốn thấp.

Trong chiến lược khác biệt hóa sản phẩm, các công ty cố gắng trở thành nhà cung cấp hoặc sản xuất các sản phẩm, dịch vụ duy nhất về chất lượng, chủng loại hoặc cách thức phân phối.

Để thành công, sự khác biệt phải hấp dẫn khách hàng và bền vững theo thời gian. Công ty tập trung vào việc nghiên cứu thị trường để có chiến lược phát triển và tiếp thị sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Một chiến lược này ưu tiên cho việc sử dụng những người có nhiều ý tưởng sáng tạo.

Các yếu tố cần được đề cập trong báo cáo phân tích công ty

- Cung cấp một cái nhìn tổng quan về công ty, bao gồm: Hiểu biết cơ bản về các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp và các điểm mạnh và điểm yếu của công ty

- Giải thích các đặc điểm liên quan đến ngành công ty đang hoạt động

- Phân tích nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ của công ty

- Phân tích việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ, bao gồm phân tích chi phí

- Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, dịch vụ của công ty

- Trình bày và giải thích các chỉ số tài chính có liên quan, bao gồm so sánh theo thời gian và so sánh với các đối thủ cạnh tranh.

Phân tích công ty thường bao gồm dự báo báo cáo tài chính của công ty, đặc biệt khi mục đích của phân tích là sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu để định giá công ty.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty, các số liệu phải được so sánh theo thời gian và giữa các công ty (đặc biệt là các công ty tương đồng). Công thức sau đây có thể được sử dụng để phân tích lí do về sự thay đổi của hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu:

ROE = Biên lợi nhuận ròng × Vòng quay tổng tài sản × Đòn bẩy tài chính
         = (Lợi nhuận ròng/Doanh thu thuần) x (Doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân) x (Tổng tài sản bình quân/Vốn chủ sở hữu).

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình CFA level I năm 2019)

Tuệ Thi