|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhãn năng lượng là gì? Phân loại và đăng kí dán nhãn

18:41 | 08/03/2020
Chia sẻ
Nhãn năng lượng là một loại tem cung cấp các thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị.
Nhãn năng lượng là gì? Phân loại và đăng kí dán nhãn - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: khuyencongdongthap)

Nhãn năng lượng

Khái niệm

Nhãn năng lượng trong tiếng Anh tạm dịch là: Energy Label.

Nhãn năng lượng là một loại tem dán trên các thiết bị tiêu thụ năng lượng, cung cấp các thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị đó.

(Theo Luật Việt Nam - LuatVietnam.vn)

Phân loại nhãn năng lượng

1. Nhãn năng lượng gồm hai loại:

a) Nhãn so sánh là nhãn cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường để nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.

b) Nhãn xác nhận là nhãn chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.

2. Căn cứ vào tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng, Bộ Công thương qui định mức hiệu suất năng lượng trong nhãn so sánh và nhãn xác nhận.

Đăng kí dán nhãn năng lượng 

Hồ sơ đăng kí dán nhãn năng lượng và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị

1. Hồ sơ đăng kí dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị bao gồm:

a) Các thông số kĩ thuật của phương tiện, thiết bị.

b) Kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị do các phòng thử nghiệm qui định tại Điều 16 Nghị định Số: 21/2011/NĐ-CP cấp.

c) Giấy đề nghị dán nhãn năng lượng.

2. Bộ Công thương tổ chức thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị.

3. Bộ Tài chính qui định đối với lệ phí cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Thực hiện dán nhãn năng lượng

1. Nhãn năng lượng theo mẫu do Bộ Công thương qui định và được dán trên phương tiện, thiết bị.

2. Cơ sở sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu tự thực hiện việc in, dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị được cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

3. Trước 60 ngày làm việc, khi hiệu lực của Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng hết hạn, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu đăng kí chứng nhận lại. 

Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu không được dán nhãn năng lượng lên phương tiện, thiết bị mà Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị đó đã hết hiệu lực.

(Tài liệu tham khảo: Nghị định Số: 21/2011/NĐ-CP Qui định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả)

Tuyết Nhi