|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm (Insurance Product Brand) là gì? Lựa chọn tên cho sản phẩm bảo hiểm

15:43 | 16/01/2020
Chia sẻ
Nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm (tiếng Anh: Insurance Product Brand) không chỉ giúp khách hàng phân biệt sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp xúc tiến bán hàng, tạo dựng được hình ảnh cho riêng mình, tăng hiểu biết về doanh nghiệp trong dân chúng.
Nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm (Insurance Product Brand) là gì? Lựa chọn tên cho sản phẩm bảo hiểm - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: dntghana.com)

Nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm

Khái niệm

Nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm trong tiếng Anh tạm dịch là Insurance Product Brand.

Nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm cũng như các nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác được xác định là tên, thuật ngữ, kí hiệu, biểu tượng hay kiểu dáng, hoặc một sự kết hợp những yếu tố đó nhằm xác nhận hàng hóa hay dịch vụ của một doanh nghiệp và phân biệt chúng với những hàng hóa và dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.

Trong thành phần của nhãn hiệu, tên nhãn hiệu là một bộ phận mà người mua có thể đọc được, còn dấu hiệu của nhãn hiệu (biểu tượng) là bộ phận mà người mua có thể nhận biết được nhưng không thể đọc được như hình vẽ màu sắc hay kiểu chữ đặc thù. 

Dấu hiệu của hàng hóa là nhãn hiệu hay bộ phận của nó được bảo vệ về mặt pháp lí. Dấu hiệu hàng hóa bảo vệ quyền tuyệt đối của doanh nghiệp trong việc sử dụng tên nhãn hiệu hay dấu hiệu nhãn hiệu.

Lựa chọn tên cho sản phẩm bảo hiểm

Việc đặt tên cho sản phẩm là một quyết định rất quan trọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bảo hiểm bán các sản phẩm có đặc tính là sản phẩm vô hình, sản phẩm không mong đợi, sản phẩm không được bảo hộ bản quyền.

Khi đặt tên cho các sản phẩm, các doanh nghiệp có thể lựa chọn cách đặt tên nhãn hiệu riêng biệt cho từng sản phẩm, tên nhãn hiệu cho một nhóm các sản phẩm hoặc gắn tên doanh nghiệp vào tên sản phẩm…

Mỗi cách đặt tên thì đều có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng dù đặt tên theo cách nào thì tên sản phẩm cũng phải thỏa mãn các tiêu chuẩn cơ bản như:

• Tên phải dễ nhớ, dễ đọc (đặc biệt là tên địa phương);

• Tên phải gợi nhớ đến sản phẩm và gợi sự thỏa mãn nhu cầu liên quan;

• Tên phải đáp ứng được yêu cầu, mục đích đã định và tạo ra sự khác biệt với tên sản phẩm của doanh nghiệp khác;

• Tên phải dễ sử dụng cho trao đổi thông tin.

Nhìn chung, việc thỏa mãn đồng thời các tiêu chuẩn trên là rất khó khăn, và đôi khi các tiêu chuẩn có sự mâu thuẫn nhau rất lớn. 

Ví dụ, để thu hút sự chú ý của khách hàng, có doanh nghiệp bảo hiểm đặt tên cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của mình là "Người phụ nữ giản đơn". Tên sản phẩm này do vậy nghe rất hấp dẫn, nhưng người mua lại khó hình dung được lợi ích của sản phẩm. 

Ngược lại, nếu đơn thuần chỉ gọi tên sản phẩm theo lợi ích cơ bản như sản phẩm "Bảo hiểm và tiết kiệm dành cho nữ giới" thì lại không gây được sự chú ý.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh bảo hiểm, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.