|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nguyên tắc chi trả là gì? Ý nghĩa và yêu cầu

11:37 | 09/09/2019
Chia sẻ
Nguyên tắc chi trả phát biểu rằng trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải đảm bảo được khả năng chi trả của doanh nghiệp mình.
small-business-financing-min

Hình minh hoạ (Nguồn: hinduvedicastro)

Nguyên tắc chi trả

Khái niệm

Nguyên tắc chi trả tạm dịch sang tiếng Anh là payment principles.

Nguyên tắc chi trả phát biểu rằng trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải đảm bảo được khả năng chi trả của doanh nghiệp mình. 

Khả năng chi trả của doanh nghiệp được hiểu là khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác, cũng như trang trải được các nhu cầu chi tiêu thường nhật của doanh nghiệp.

Ý nghĩa

Việc đảm bảo được khả năng chi trả sẽ tạo ra tiền đề quan trọng bảo đảm cho sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn. 

Khi ấy, doanh nghiệp không những thanh toán được các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ, mà còn có thể liên tục mua sắm các hàng hóa, dịch vụ đầu vào, giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong kì của doanh nghiệp diễn ra trơn tru, không bị ngắt quãng.

Yêu cầu

Để đảm bảo được khả năng chi trả, đòi hỏi doanh nghiệp phải

- Quan tâm đến các dòng tiền chứ không phảI lợi nhuận kế toán. 

Tiền (tiền mặt tại quĩ, tiền gửI ngân hàng, ngoại tệ các loại, vàng, bạc, kim khí quí, đá quí, các khoản đầu tư tài chính tương đương tiền) chính là loại tàI sản duy nhất trong doanh nghiệp có thể được sử dụng ngay cho việc thanh toán. 

Trong khi đó, lợi nhuận không đồng nghĩa với dòng tiền nhập quĩ. Thế nên, để thực hiện được các hoạt động chi trả, cái doanh nghiệp cần là tiền, chứ không phải lợi nhuận kế toán. 

Trong quá trình hoạt động, bên cạnh mức ngân quĩ hiện tại, doanh nghiệp cần để tâm đến qui mô và thời điểm phát sinh các dòng tiền nhập quĩ hoặc xuất quĩ sẽ phát sinh trong tương lai, để từ đó, đưa ra được các quyết định quản lí ngân quĩ phù hợp, giúp bảo đảm năng lực tài chính cho việc chi trả.

- Cần đặc biệt tính đến các dòng tiền tăng thêm, nhất là các dòng tiền sau thuế khi đưa ra các quyết định kinh doanh. 

Đi kèm với các dự án đầu tư là khái niệm "dòng tiền tăng thêm". Dòng tiền tăng thêm được hiểu là các dòng tiền chỉ xuất hiện khi một dự án đầu tư được lựa chọn và thực hiện, và sẽ không bao giờ xuất hiện nếu như dự án đầu tư tương ứng bị bỏ qua. 

Có thể nói, dòng tiền tăng thêm chính là sự đóng góp thêm và riêng có của từng dự án đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp xét trên khía cạnh tài chính. Dòng tiền tăng thêm phản ánh sự khác biệt về mặt dòng tiền của doanh nghiệp giữa khi có dự án và khi không có dự án. 

Chính việc tính toán đúng và đủ dòng tiền tăng thêm của một dự án đầu tư, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đánh giá được chính xác hiệu quả về mặt tài chính của dự án đầu tư ấy, làm cơ sở cho việc ra quyết định.

Ví dụ

Công ty Sony (nổi tiếng với loại máy chơi game PlayStation 4) hiện đang xem xét dự án phát triển một tựa game mới. 

Trước sự cạnh tranh gay gắt tới từ XboxOne của Microsoft, Sony dự kiến sẽ chỉ phát triển tựa game này dành riêng cho hệ máy PlayStation 4, điều này có nghĩa là trong trường hợp dự án được thông qua, việc Sony sản xuất và tung tựa game ấy ra thị trường sẽ tạo ra tác động thúc đẩy nhất định tới việc tiêu thụ của loại máy PlayStation 4. 

Ta thấy: Dòng tiền xuất hiện từ việc bán thêm được chiếc máy PlayStation 4 dưới ảnh hưởng của tựa game mới là dòng tiền mà chỉ khi doanh nghiệp thực hiện dự án mới có, nếu dự án không được chấp nhận, sẽ không có dòng tiền này. 

Trong quá trình xem xét, nếu như Sony bỏ qua dòng tiền nói trên và chỉ đánh giá thuần túy các vấn đề về doanh thu và chi phí của việc sản xuất và tiêu thụ tựa game mới, thì khi đó, những kết luận rút ra về hiệu quả tài chính của dự án phát triển tựa game mới sẽ không thật chính xác. 

Ngoài ra, dòng tiền sau thuế chính là dòng tiền còn lại thuộc về doanh nghiệp sau khi đã trừ đi phần nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Ngân sách Nhà nước. 

Dòng tiền sau thuế có vai trò quan trọng đối với quá trình ra quyết định của doanh nghiệp vì nó thể hiện được chính xác những gì mà doanh nghiệp thực sự nhận được trong từng trường hợp.

(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về Tài chính doanh nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi