|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nguyên giá tài sản cố định vô hình là gì? Cách tính

10:47 | 20/02/2020
Chia sẻ
Nguyên giá tài sản cố định vô hình là tổng các chi phí thực tế đã chi ra có liên quan đến việc hình thành từng tài sản cố định vô hình cụ thể được vốn hoá theo qui định.
Nguyên giá tài sản cố định vô hình là gì? Cách tính - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: msdynamics)

Nguyên giá tài sản cố định vô hình

Khái niệm

Nguyên giá tài sản cố định vô hình tạm dịch sang tiếng Anh là Intangible fixed asset costs.

Nguyên giá tài sản cố định vô hình là tổng các chi phí thực tế đã chi ra có liên quan đến việc hình thành từng tài sản cố định vô hình cụ thể được vốn hoá theo qui định.

Cách tính trong từng trường hợp cụ thể

- Nguyên giá tài sản cố định vô hình mua riêng biệt bao gồm giá mua và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản cố định vào sử dụng. Nguyên giá này không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại, các khoản chiết khấu thương mại và các khoản được giảm giá.

- Trường hợp tài sản cố định vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm thì nguyên giá được tính theo giá trả ngay tại thời điểm mua.

- Nguyên giá tài sản cố định vô hình được mua dưới hình thức trao đổi với một tài sản cố định vô hình không tương tự hoặc tài sản khác được xác định theo giá trị hợp lí của tài sản nhận về hoặc bằng với giá trị của tài sản cố định vô hình đem trao đổi sau khi điều chỉnh các khoản trả thêm hoặc thu về.

- Đối với tài sản cố định vô hình do doanh nghiệp tạo ra nguyên giá không bao gồm các chi phí trong giai đoạn nghiên cứu mà chỉ bao gồm các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai tạo ra tài sản cố định vô hình gồm: Chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, các chi phí sản xuất chung phân bổ cho tài sản. 

Ngoài ra, nguyên giá tài sản cố định vô hình còn bao gồm cả các chi phí khác như chi phí đăng kí quyền pháp lí, khấu hao bằng phát minh và giấy phép được sử dụng để tạo ra tài sản đó.

Các chi phí không được tính vào nguyên giá tài sản cố định vô hình trong trường hợp này bao gồm: chi phí đào tạo nhân viên để vận hành tài sản, các chi phí không liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng, các chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và các khoản chi phí khác được sử dụng vượt quá mức bình thường.

(Tài liệu tham khảo: Những vấn đề kế toán cơ bản trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Vũ Đình Hiển, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)

Diệu Nhi