|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ - Trung đấu đá, giá đậu nành xuống mức thấp nhất một thập kỉ

18:53 | 14/05/2019
Chia sẻ
Giá hợp đồng đậu nành giao sau đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỉ vì chiến tranh thương mại leo thang làm giảm kì vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua đậu nành Mỹ và giúp tiêu thụ bớt nguồn cung dư thừa.
Mỹ - Trung đấu đá, giá đậu nành xuống mức thấp nhất một thập kỉ - Ảnh 1.

Giá đậu nành giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỉ vì chiến tranh thương mại căng thẳng hơn bao giờ hết.

Các mặt hàng nông sản từ thịt heo đến bông đều đi xuống vào ngày 13/5, theo đó giá đậu nành lần đầu tiên giảm dưới 8 USD/giạ kể từ năm 2008 sau khi Trung Quốc cho biết sẽ tăng thuế quan lên hàng hóa Mỹ từ ngày 1/6.

Mỹ - Trung đấu đá, giá đậu nành xuống mức thấp nhất một thập kỉ - Ảnh 2.

Giá hợp đồng đậu nành giao sau giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỉ.

Đà giảm của giá đậu nành giao tháng 7 đã bị kìm hãm, với giá chốt phiên ở mức 8,025 USD/giạ sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 tại Nhật Bản vào tháng 6 tới.

Căng thẳng thương mại bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc - nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới - đã khiến triển vọng nhu cầu đậu nành trở nên tồi tệ hơn trước khi nông dân Mỹ gieo trồng cho vụ mùa mới.

Trung Quốc đã nhiều lần mua đậu nành Mỹ trong năm nay như một cử chỉ thiện chí trong đàm phán thương mại.

"Rõ ràng, chúng ta đang không biết hướng đi kế tiếp như thế nào", nhà phân tích độc lập Ken Morrison của St. Louis cho hay. "Hai bên đã tự đẩy mình vào ngõ cụt".

Thất bại trong đàm phán cũng khiến các giao dịch mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc, gồm đậu nành và thịt heo, nhiều khả năng bị hủy bỏ trước khi giao hàng, ông Morrison nói.

Mỹ - Trung đấu đá, giá đậu nành xuống mức thấp nhất một thập kỉ - Ảnh 3.

Biến động trên thị trường bắp và đậu nành.

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc đã mua khoảng 7,4 triệu tấn đậu nành Mỹ, tuy nhiên số đậu nành này vẫn chưa được vận chuyển đến Trung Quốc.

Vòng đàm phán mới nhất giữa hai nước đã kết thúc mà không đạt được một giải pháp nào, theo đó khiến Tổng thống Trump trong tuần trước cam kết sẽ thu mua nông sản Mỹ để bù đắp cho sự sụt giảm về doanh bán hàng đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu giải pháp trên có thể giải quyết nguồn cung dư thừa hiện tại đến đâu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang diễn ra khi dịch tả heo châu Phi hoành hành tại Trung Quốc và các nước lân cận, với tổng thiệt hại đàn heo ở Việt Nam tăng lên khoảng 4%. Dịch tả heo châu Phi lan rộng có thể hạn chế nhu cầu đậu nành và các loại thức ăn chăn nuôi khác.

Nông dân Mỹ đang gặp khó khăn vì thuế quan Trung Quốc áp lên đậu nành một năm trước, đã kìm hãm lượng xuất khẩu của loại nông sản này, khiến giá cả sụt giảm và làm tổn hại thu nhập của người trồng.

Căng thẳng thương mại leo thang làm giảm hi vọng về một thỏa thuận nhanh chóng với Trung Quốc.

Ngày 10/5, USDA đã công bố triển vọng cây trồng hàng tháng - đây vốn là dữ liệu được theo dõi chặt chẽ. Theo đó, họ dự đoán mức trữ đậu nành sẽ tiếp tục tăng cho mùa vụ mới.

"Báo cáo của USDA công bố hôm 10/5 khá tiêu cực và khiến bầu không khi trên thị trường nông sản thêm ảm đảm do các thảo luận thương mại căng thẳng và kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc", cố vấn trang trại tại Paris của Agritel cho hay trong một ghi chú.

Trần Nam Thi