Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu đậu nành để nuôi lớn đàn heo
Nhập khẩu lượng lớn đậu nành để nuôi heo
Trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua tổng cộng 38,23 triệu tấn đậu nành, kim ngạch đạt 19,35 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu đậu nành của đất nước tỷ dân tăng 44,2%, theo dữ liệu do hải quan Trung Quốc công bố vào tuần trước.
Các nhà cung ứng lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ và Brazil. Tổng lượng đậu nành nhập khẩu từ hai thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020.
"Kể từ ngày 1/10 năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng đầu nành kỷ lục từ Mỹ. Hiện tại, nhu cầu đang tập trung gần như hoàn toàn vào nguồn cung của Nam Mỹ", bà Darren Cooper, nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu International Grains Council, cho hay.
Trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington, Bắc Kinh cam kết mua khoảng 36,5 triệu USD nông sản Mỹ trong năm 2020. Các sản phẩm đậu nành của Mỹ nhờ đó càng rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phục hồi của đàn heo sau dịch tả heo châu Phi (ASF) mới là động lực chính khiến đất nước tỷ dân tăng mua đậu nành - nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như dầu thực vật.
SCMP dẫn lời chuyên gia phân tích Pan Chenjun của Rabobank cho hay: "Doanh nghiệp chăn nuôi đang hy vọng đàn heo sẽ phục hồi nhanh chóng, đây là lý do chính khiến nhập khẩu đậu nành tăng mạnh. Ngoài ra, ngành dịch vụ ẩm thực dần khởi sắc cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu của loại nông sản này".
Cũng trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc (bao gồm cả thịt và ngũ cốc) tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đậu nành chiếm hơn 22% tổng kim ngạch.
Trong dự báo thương mại vừa công bố hồi cuối tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ giành lại vị trí khách hàng số một của Mỹ nhờ nhu cầu lớn đối với hai nông sản ngô và đậu nành.
Các nhà xuất khẩu đậu nành chưa nên vội mừng
Bà Cooper của International Grains Council cảnh báo rằng, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc trong các năm tới có thể tăng trưởng tương đối khiêm tốn, vì đàn heo của nước này đang phục hồi về gần mức trước dịch ASF.
Các nhà phân tích còn cho rằng giá hàng hóa leo thang cũng ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của người chăn nuôi heo. Số tiền mà nông dân Trung Quốc kiếm được ngày càng bị thu hẹp.
"Giá thịt heo tiếp tục giảm [vì nguồn cung dồi dào hơn], trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi lại tăng nhanh. Lợi nhuận của các hộ chăn nuôi heo ở Trung Quốc lao dốc mạnh, một số còn phải chịu lỗ", công ty thương mại Hua An Futures giải thích.
"Ngoài ra, do tác động kéo dài của dịch ASF, nông dân không dám tái đàn quá đà", Hua An Futures cho biết thêm.
Hơn nữa, vào tháng 4 năm nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn mới, khuyến khích nông dân giảm sử dụng ngô và đậu nành trong thức ăn cho heo và gia cầm. Mục đích của bộ này là giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ngô và đậu nành nhập khẩu. Một số lựa chọn thay thế được gợi ý là gạo, lúa mạch và lúa miến.
Theo Hua An Futures, nếu kế hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc được triển khai thành công, tiêu thụ đậu nành của đất nước tỷ dân có thể giảm ít nhất 8 triệu tấn mỗi năm.
Bà Rosa Wang, một nhà phân tích tại công ty dữ liệu nông nghiệp JCI China (Thượng Hải), cho biết dù hướng dẫn của chính quyền Bắc Kinh vẫn đang trong quá trình thành hình, nhưng áp lực lên giá nông sản hiện nay đã có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc trong vài tháng tới.
Bà Wang nói rằng, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cảnh giác với sự biến động ngày càng lớn của giá hàng hóa và sẽ công bố một loạt biện pháp khác nhau để giữ nguồn cung trong nước ổn định.
"Giá nông sản đã tăng nóng một thời gian. Đậu nành và ngô là hai trong các mặt hàng nông sản chính đã tăng giá mạnh", ông Pan của Rabobank lưu ý thêm. "Giá ngũ cốc nhảy vọt có thể đẩy chi phí bổ sung sang các sản phẩm đầu cuối [như thức ăn chăn nuôi]".