|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lúa mì chạm đáy ba năm vì Nga tăng cường xuất khẩu

14:31 | 17/10/2023
Chia sẻ
Lúa mì của Nga đang bù đắp sự sụt giảm nguồn cung từ Ukraine và Australia. Lúa mì của nước này hiện chiếm khoảng 24% thị phần xuất khẩu toàn cầu - tăng từ 16% trong niên vụ 2021-2022, thời điểm trước khi căng thẳng địa chính trị xảy ra.

Theo Nikkei Asia, giá lúa mì toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng ba năm do vụ mùa tại Nga bội thu và họ đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này giảm bớt lạm phát lương thực nhưng cũng dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào ngũ cốc của Nga.

Cuối tháng 9, giá lúa mì trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago được giao dịch khoảng 5 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Mức giá này duy trì cho đến nay và thấp hơn gần 60% so với 13 USD/giạ đạt được vào tháng 3/2022, ngay sau khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ. 

 Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Lúa mì của Nga đang bù đắp sự sụt giảm nguồn cung từ Ukraine và Australia. Một chuyên gia lúa mì tại công ty thương mại lớn của Nhật Bản cho biết: “Giá tăng vọt ngay sau khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Thời điểm đó, các thương nhân tính đến rủi ro gián đoạn nguồn cung ở mức cao nhất có thể. Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường đang tiến tới bình thường hóa."

Nhưng rủi ro về nguồn cung vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Vào tháng 7, Nga đã rút khỏi một thỏa thuận do Liên Hợp quốc làm trung gian cho phép vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Chính phủ Ukraine hôm thứ Sáu tuần trước (13/10) cho biết nước này thiệt hại khoảng 300.000 tấn ngũ cốc từ tháng 7 do các cuộc tấn công của Nga vào các cảng và tàu trên bờ Biển Đen.

Theo dữ liệu của Refinitiv, xuất khẩu lúa mì của Ukraine trong tháng 9 đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng lúa mì của Australia dự kiến giảm 38% trong năm nay do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra.

Bù đắp cho những sụt giảm nguồn cung này là xuất khẩu ngày càng tăng của Nga. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo xuất khẩu của Nga trong tháng thứ 5 liên tiếp vào hôm 12/19. Dự báo mới cho niên vụ 2023-2024 là 50 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 9.

Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đang cản trở xuất khẩu nông sản của họ. Tuy nhiên lúa mì của nước này chiếm khoảng 24% xuất khẩu toàn cầu - tăng từ 16% trong niên vụ 2021-2022, thời điểm trước khi căng thẳng địa chính trị xảy ra.

Nhu cầu lúa mì toàn cầu tăng vọt trong 20 năm qua, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, được hỗ trợ bởi sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine.

Ông Kenji Nagatomo thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Lâm nghiệp và Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản) cho biết: “Nga đã đi từ nước nhập khẩu một lượng lớn ngũ cốc trong thời kỳ Xô Viết trở thành một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới khi chuyển từ chủ nghĩa xã hội sang nền kinh tế thị trường sau sự sụp đổ của Liên Xô”. 

Ông Nagatomo cho biết: “Những cải tiến về hiệu quả trong cả sản xuất và tiêu thụ ngũ cốc của ngành chăn nuôi đã tạo ra khả năng xuất khẩu lượng hàng dư thừa”.

Cho đến đầu những năm 2010, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới với khoảng 20% thị phần thế giới. Tuy nhiên, hiện thị phần của nước này đã giảm xuống dưới 10%. Sự sụt giảm này một phần là do đồng USD mạnh làm xói mòn khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước này. 

Theo USDA, giá xuất khẩu lúa mì của Nga là 232 USD/tấn tính đến ngày 9/10, rẻ hơn 20% so với giá 305 USD/tấn của Mỹ. Ông Hideki Hattori thuộc công ty xay xát Nippn của Nhật Bản cho biết: “Để vận chuyển số lượng lớn ngũ cốc, họ đang thúc đẩy xuất khẩu với giá thấp”.

Nga dự kiến năm 2023 sẽ tiếp tục ghi nhận một vụ mùa bội thu, sau mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022. Nước này đang tìm cách xuất khẩu càng nhiều càng tốt để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước.

Ông Nagatomo cho biết: “Khi xung đột kéo dài, rất khó để dự đoán Nga sẽ thực hiện những hành động gì và tác động của hành đó đến nguồn cung thực phẩm toàn cầu”.

 

H.Mĩ

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.