Nga đình chỉ thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine, giá lúa mì bật tăng 3,5%
Động thái của Nga
Theo đưa tin từ CNBC, vào ngày 17/7, Nga thông báo nước này đã đình chỉ Sáng kiến Xuất khẩu Ngũ cốc Biển Đen, thoả thuận giúp Ukraine vận chuyển ngũ cốc ra thị trường quốc tế trong gần một năm qua.
Nga và Ukraine lần đầu đặt bút ký thông qua sáng kiến trên vào tháng 7/2022. Thoả thuận dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 (theo giờ Istanbul) nếu Moscow không đồng ý gia hạn.
Kể từ sau khi được ký kết, thoả thuận đã nhiều lần gặp trục trặc, trong bối cảnh Nga ngày càng bất mãn về những hạn chế liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước này.
Trong cuộc điện đàm vào cuối tuần trước với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần nữa phàn nàn rằng các bên liên quan đã không hoàn thành mục tiêu chính của sáng kiến là cung cấp ngũ cốc cho các nước cần lương thực.
Sáng kiến được soạn thảo là để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu sau khi Nga tấn công nước láng giềng Ukraine - một nhà xuất khẩu ngũ cốc quan trọng. Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là hai bên trung gian dàn xếp thoả thuận, CNBC thông tin.
“Sáng kiến Xuất khẩu Ngũ cốc Biển Đen sẽ mất hiệu lực vào hôm nay. Như Tổng thống Putin đã nói trước đó, hạn chót là ngày 17/7.
Rất tiếc, phần liên quan đến Nga cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Do đó, chúng tôi sẽ chấm dứt thoả thuận”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Hãng thông tấn Tass dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã chính thức thông báo cho Ankara, Kiev và ban thư ký Liên Hợp Quốc rằng họ phản đối gia hạn sáng kiến này.
“Chỉ khi nhận được kết quả cụ thể, chứ không phải những lời hứa hẹn và đảm bảo, Nga mới sẵn sàng xem xét nối lại thoả thuận”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay trong một bài đăng trên Facebook vào cùng ngày.
Bài đăng nhấn mạnh thoả thuận chỉ “phục vụ những lợi ích cá nhân hẹp hồi” của chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov lưu ý rằng tuyên bố phản đối kéo dài thoả thuận ngũ cốc của Moscow xuất hiện ngay trước cả khi xảy ra vụ nổ trên cây cầu Crimea khiến hai người thiệt mạng và giao thông bị tắc nghẽn.
Liên minh châu Âu (EU) đã lên án việc Điện Kremlin rút khỏi thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine.
Lúa mì lâm nguy?
Giá lúa mì trên thị trường thế giới đã tăng 3,5% sau khi truyền thông đưa tin về động thái mới nhất của Moscow.
“Ukraine sẽ buộc phải xuất khẩu hầu hết các sản phẩm ngũ cốc và hạt có dầu qua biên giới đất liền và các cảng trên sông Danube. Điều này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí vận chuyển và gây thêm áp lực lên lợi nhuận của nông dân Ukraine.
Hậu quả tiềm tàng là nông dân có thể gieo trồng ít hơn trong mùa vụ tới, gây áp lực lên nguồn cung trong tương lai gần”, trưởng bộ phận phân tích thị trường nông sản của Rabobank là ông Carlos Mera cảnh báo.
Giáo sư Simon Evenett tại Đại học St. Gallen cho rằng tuyên bố của Nga là “phát súng kết liễu đối với một thoả thuận sắp sửa kết thúc”. Ông cho biết thêm: “Số lô hàng ngũ cốc từ Ukraine đã giảm dần trong năm nay”.
Sáng kiến Xuất khẩu Ngũ cốc Biển đen cho phép Ukraine vận chuyển lương thực thương mại và nguồn cung phân bón từ ba cảng của nước này ở Biển Đen, gồm Odea, Chornomorsk và Pivdennyi.
Các tàu chở hàng đi qua hành lang nhân đạo này sẽ đi đến Istanbul, một trong những cảng nhộn nhịp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau thông báo của Moscow, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ niềm tin rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục thoả thuận.
Người đứng đầu chính quyền Ankara cho biết thêm rằng ông sẽ có cuộc điện đàm với ông Putin về chủ đề này và các bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai bên cũng sẽ tham gia thảo luận.
Theo CNBC, Moscow có thể sẽ không nồng nhiệt đón nhận những chia sẻ của ông Erdogan. Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã giáng một đòn đau vào Nga khi cuối cùng đã “bật đèn xanh” cho Thuỵ Điển gia nhập NATO.