Giá heo hơi Trung Quốc giảm sâu, nông dân lỗ nặng
Giá heo hơi lao dốc
Đầu năm nay, giá heo hơi tại Trung Quốc có thời điểm đạt mức cao 37 nhân dân tệ/kg, tương đương mức giá từng xác lập hồi cuối năm 2019 khi nguồn cung thịt heo khan hiếm vì dịch tả heo châu Phi (ASF) và khiến giá liên tục nhảy vọt.
Tuy nhiên, tính đến ngày 5/6, giá heo hơi trung bình trên toàn Trung Quốc đã giảm xuống còn 17 nhân dân tệ/kg. Nông dân mua heo giống với giá cao hồi đầu năm giờ đang bị lỗ nặng. Một số người chăn nuôi lỗ tới 1.000 nhân dân tệ cho mỗi con heo hơi bán ra.
Chia sẻ với Global Times, anh Li Yunlong, một nông dân chăn nuôi heo, cho biết anh đang lỗ gần 800 nhân dân tệ/con. "So với đầu năm, chi phí thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, trong khi giá heo hơi sụt mạnh 60%", anh Li nói thêm.
Anh Li hiện đang nuôi hàng nghìn con heo và phải cố gắng điều chỉnh kế hoạch để giảm thiểu thiệt hại.
Theo dữ liệu từ các trang trại heo lớn ở Trung Quốc, doanh thu bán heo trong tháng 5 cũng giảm mạnh so với tháng trước. Zhenghong Science cho biết họ chỉ bán được 8.500 con heo trong tháng 5, giảm 41% so với tháng 4.
Muyuan Foods, một trong các nhà sản xuất thịt heo lớn nhất nền kinh tế tỷ dân, chứng kiến doanh thu giảm xuống còn 6,78 tỷ nhân dân tệ trong tháng 5, sụt khoảng 14,4% so với tháng trước đó.
Trước đó, Bloomberg từng đưa tin, từ cuối năm ngoái, nông dân Trung Quốc đã bắt tay vào lai tạo giống heo "siêu to khổng lồ" để tăng gấp đôi trọng lượng của heo với hy vọng thu lợi nhuận cao hơn nếu giá thịt heo phục hồi. Giống heo mới thường có kích thước gần bằng một con hà mã lùn hoặc gấu Bắc Cực cái.
Anh Cao Tao, một thương nhân buôn heo ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), cho biết anh đang mua được nhiều con heo nặng trên 200 kg, trong khi trọng lượng bình thường của chúng chỉ dao động quanh 125 kg.
Đi ngược với kỳ vọng của nông dân chăn nuôi heo, giá heo hơi tại Trung Quốc lại giảm vì nhu cầu đình trệ, nhập khẩu thịt heo ngoại tăng cao và nông dân hoảng loạn bán tháo đàn heo sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tái bùng phát vào đầu năm.
Tại một hội nghị hồi tháng 5, ông Qiu Huaji - người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm ở heo tại Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, khẳng định giống heo "siêu khổng lồ" là một nguyên nhân khiến giá heo hơi giảm mạnh.
Bà Qian Xiaoyun, một nông dân ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc), cho biết gia đình bà sẽ không nuôi thêm heo "siêu to khổng lồ" sau khi giá heo giảm. Trước đó, bà Qian đã bán hết những con heo nặng hơn 150 kg. "Giá thịt heo giảm và giá ngô quá cao khiến chúng tôi không dư được là bao, vì giống heo khổng lồ này ăn rất nhiều", bà Qian bày tỏ.
Nhập khẩu thịt heo dự kiến giảm
Đầu tuần này, chuyên gia Li Guoxiang của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng giá heo hơi lao dốc là vì năng lực chăn nuôi trong nước đã phục hồi và trở lại mức bình thường vào tháng 6.
Ông Li dự đoán lượng heo nhập khẩu của Trung Quốc trong nửa cuối năm sẽ giảm mạnh do giá heo trong nước quay về mức trước dịch ASF trong khi giá heo quốc tế đang theo chiều hướng đi lên.
"Sản lượng heo trong nước có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nửa cuối năm", nhà khoa học họ Li dự đoán thêm.
Global Times dẫn dữ liệu từ cơ quan hải quan cho biết, Tây Ban Nha là nguồn nhập khẩu thịt heo lớn nhất của Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, khối lượng thịt heo nhập khẩu từ thị trường này đạt 961.500 tấn. Mỹ và Brazil là hai nguồn cung thịt heo lớn khác của đất nước tỷ dân.
Đầu tháng 3 năm nay, các quan chức Trung Quốc cũng dự đoán nguồn cung thịt heo trong nước sẽ phục hồi ổn định trong năm nay. Đáng chú ý, ông Yang Zhenhai - người đứng đầu Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết chính phủ tự tin rằng đàn heo sẽ phục hồi về mức bình thường vào cuối năm 2021, bất chấp sự chậm trễ trong xây dựng trang trại mới và tái thả đàn.