Siêu chu kỳ hàng hóa chưa thấy đâu, giá nhiều mặt hàng đã giảm sâu
Nhiều hàng hóa giảm sâu
Theo Bloomberg, giá đậu nành giao sau đã xóa sạch mức tăng trong năm nay sau khi giảm hơn 20% so với mức đỉnh 8 năm xác lập vào tháng 5. Giá ngô và lúa mì cũng lao dốc từ mức đỉnh của nhiều năm.
Hôm 17/6, chỉ số ngũ cốc Bloomberg Grains Spot Subindex giảm mạnh nhất so với mốc năm 2009. Giá của một số mặt hàng khác cũng đang bốc hơi sau đà tăng mạnh mẽ, đơn cử như bạch kim, niken, đường và gỗ xẻ.
Tuần này, một số mặt hàng còn phải gánh chịu thêm cú sốc, sau khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp can thiệp thị trường để làm chậm lạm phát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Ngay cả một số hàng hóa hưởng lợi rõ ràng từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế cũng đang chao đảo. Kim loại đồng đang hướng đến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn một năm qua, Bloomberg lưu ý. Sự hạ nhiệt của nhiều nguyên liệu thô diễn ra sau khi chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Giới phân tích, bao gồm các chuyên gia tại tập đoàn thương mại hàng hóa Trafigura Group, từng cho rằng nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhảy vọt mở ra khả năng xuất hiện một siêu chu kỳ hàng hóa mới.
Nguyên nhân đằng sau
Hôm 17/6, chỉ số USD Index đã nới dài đà tăng sau khi chạm đỉnh một năm trong phiên 16/6. Điều này khiến thị trường hàng hóa trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư đang nắm giữ những đồng tiền tệ khác.
Tình trạng bù hoãn bán (backwardation) ở nhiều mặt hàng và tính mùa vụ của một số loại nông sản cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến đợt sụt giảm gần đây trên thị trường hàng hóa.
Hơn nữa, các động thái của Bắc Kinh và Fed cũng tác động đến giao dịch hàng hóa thế giới. Giữa tuần, chính phủ Trung Quốc đã tung đòn kép để hạ nhiệt giá hàng hóa: xả kho dự trữ chiến lược của các kim loại như đồng, nhôm và kẽm; và yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hạn chế tiếp xúc với thị trường hàng hóa nước ngoài.
Sau đó, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Fed quyết định nâng dự báo lạm phát năm nay, đồng thời cho biết ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch trước. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán sẽ có hai lần tăng lãi suất trong năm 2023.
Ông Michael Cuoco, quản lý cấp cao của công ty dịch vụ tài chính StoneX, nhận xét: "Các tài sản rủi ro thấp đang lên ngôi nhờ tuyên bố chính sách có phần cứng rắn của Fed, không lâu sau khi Trung Quốc ban hành một số chỉ thị để ghìm cương giá hàng hóa trong nước".
"Các gói kích thích tiền tệ của một số ngân hàng trung ương giúp thị trường hàng hóa tăng trưởng vũ bão trong mùa xuân năm nay, và giờ các cơ quan này đã bắt đầu thiết lập lại điều kiện vĩ mô một chút", ông Cuoco tiếp tục.
Ngoài ra, thời tiết khởi sắc ở một số vùng trồng trọt cũng làm ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng nông sản. Gần đây, các đợt mưa mới giúp sản lượng ngô và đậu nành cải thiện, khiến giá ngô và đậu nành giao sau có xu hướng giảm mạnh so với mức đỉnh trước.
Tuy nhiên, các kim loại công nghiệp và năng lượng vẫn sẽ chứng kiến nhu cầu tăng mạnh và giá giao dịch sẽ tiếp tục theo chiều hướng đi lên trong nửa cuối năm nay. Một số nhà kinh tế cho rằng đà tăng của các mặt hàng này khó có thể giảm đi đáng kể.
Chiến lược gia hàng hóa Jason Bloom của Invesco cho biết: "Chúng tôi tin tưởng thị trường đang ở giai đoạn đầu của một siêu chu kỳ hàng hóa, tương tự như chu kỳ tăng giá diễn ra từ cuối những năm 1990 đến năm 2008".
"Có nhiều mặt hàng đang bị hạn chế về nguồn cung, và dường như không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ lập trường chính sách mới của Fed. Trung Quốc có thể kiềm chế giá trong thời gian ngắn...nhưng họ không thể kiểm soát thị trường", ông Bloom nhấn mạnh.
Quả thực, trong khi các hàng hóa như ngũ cốc lao dốc thì số khác như dầu thô và thiếc vẫn đang giữ được đà tăng. Điều này cho thấy sự phản ứng không đồng đều của thị trường hàng hóa đối với quá trình mở cửa và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.