Trung Quốc tung đòn kép để hạ nhiệt giá hàng hóa: Xả kho dự trữ chiến lược, kiềm chế giao dịch nước ngoài
Hai cơ quan cùng ra tay hạ nhiệt giá nguyên liệu thô
Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ghìm cương giá hàng hóa và kiềm chế nạn đầu cơ nhằm giảm thiểu rủi ro đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế khi giá nguyên liệu thô tăng nóng.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) đã yêu cầu các công ty nhà nước phải kiểm soát rủi ro và hạn chế tiếp xúc với thị trường hàng hóa nước ngoài.
Hơn nữa, SASAC còn đề nghị các doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo kế hoạch định giá cho các hợp đồng hàng hóa tương lai để cơ quan này xem xét, nguồn tin của Bloomberg cho hay.
Ở diễn biến khác, Cục Dự trữ Thực phẩm và Hàng hóa Chiến lược Quốc gia Trung Quốc (NFSRA) sẽ sớm giải phóng ra thị trường một phần kho dự trữ kim loại đồng, nhôm và kẽm, theo thông báo hôm nay (ngày 16/6).
Số kim loại trên sẽ được bán theo lô cho các cơ sở chế tạo hoặc nhà máy luyện kim, song công chúng chưa biết chính xác khối lượng mà NFSRA sẽ tung ra.
Hầu hết hợp đồng kim loại công nghiệp trên sàn giao dịch hàng hóa London và Thượng Hải, cùng với hợp đồng quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Singapore đều có lúc giảm điểm.
Tại thị trường Trung Quốc và Hong Kong, cổ phiếu của các công ty kim loại cũng quay đầu giảm. Ở châu Âu, cổ phiếu của các công ty thép và khai khoáng như Rio Tinto, BHP và ArcelorMittal có lúc giảm ít nhất 0,8%.
Thương nhân Jia Zheng của công ty thương mại hàng hóa Shanghai Dongwu Jiuying Investment Management bình luận: "Chúng tôi chưa thấy Trung Quốc giải phóng kho dự trữ kim loại trong nhiều năm nay. Động thái sắp tới của NFSRA sẽ giúp tăng nguồn cung trong ngắn hạn, qua đó phát tín hiệu giảm giá cho thị trường".
Rủi ro đầu cơ
Theo ông Jia, việc SASAC giám sát hoạt động giao dịch của các công ty nhà nước Trung Quốc trên thị trường hàng hóa nước ngoài là nhằm mục đích "hạn chế nạn đầu cơ quá mức khi giá hàng hóa tăng nóng và tiềm ẩn rủi ro cho nhóm doanh nghiệp nhà nước".
Trong vài tháng qua, giá hàng hóa không ngừng tăng phi mã, làm dấy lên lo ngại rằng các nhà máy tại Trung Quốc có thể phải sang tay một phần chi phí cho người tiêu dùng và gây tổn hại cho nền kinh tế tỷ dân. Vai trò của các nhà đầu cơ do đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng Trung Quốc.
Dù Bắc kinh đã tăng cường kiềm chế áp lực lạm phát, các động thái đến từ nhiều phía lại tạo ra kết quả trái chiều. Hôm 12/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chính quyền địa phương phải ra sức đối phó với tình trạng giá hàng hóa tăng vọt.
Sau bình luận của nhà lãnh đạo họ Lý, giá quặng sắt quay đầu giảm trong giai đoạn cuối tháng 5, nhưng sau đó đã phục hồi trở lại. Dù gần đây có hạ nhiệt nhưng giá của các kim loại cơ bản như thép, nhôm, đồng,... vẫn cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Tháng trước, Goldman Sachs cảnh báo rằng nỗ lực của Trung Quốc có thể sẽ vô ích vì nước này không còn là bên mua có khả năng quyết định giá cả trên thị trường quốc tế nữa.
Việc chính phủ Trung Quốc không công bố khối lượng kim loại công nghiệp sẽ bán ra thị trường cho thấy họ đang không chắc chắn về mức độ hiệu quả của biện pháp này trong việc điều chỉnh giá, Bloomberg dự đoán
Trong trường hợp khẩn cấp, Bắc Kinh có thể giải phóng một phần dự trữ để điều chỉnh thị trường. Chẳng hạn, họ từng tiến hành một số đợt xả kho thịt heo để giải quyết nỗi lo lạm phát khi dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung thịt heo khan hiếm.
Theo Bloomberg, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc giải phóng kim loại đồng từ kho dự trữ kể từ năm 2005, khi chính phủ tìm cách giảm giá đồng trong nước sau sự cố do một quan chức nhà nước gây ra. Năm 2010, Bắc Kinh cũng từng xả kho dự trữ nhôm và kẽm.