|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Goldman Sachs: Trung Quốc mất quyền định giá trên thị trường hàng hóa

22:00 | 28/05/2021
Chia sẻ
Theo một báo cáo mới đây của Goldman Sachs Group Inc., những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế giá hàng hóa tăng cao có thể trở nên vô ích vì nước này đang mất khả năng làm chủ thị trường trong bối cảnh các quốc gia phát triển đang phục hồi sau đại dịch.
Goldman Sachs: Trung Quốc mất quyền định giá trên thị trường hàng hóa - Ảnh 1.

Container hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác được bốc dỡ tại cảng Long Beach ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định rằng tốc độ phục hồi hiện tại ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, đồng nghĩa Trung Quốc không còn là bên mua có khả năng định giá. 

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc giá trên thị trường hàng hóa giảm sau cảnh báo từ Bắc Kinh về tình trạng đầu cơ là một "cơ hội mua vào rõ ràng", vì các nguyên liệu thô như đồng và đậu tăng vẫn đang trên đà tăng do nguồn cung bị thắt chặt.

Là nước thu mua lớn nhất của nhiều mặt hàng, Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế đà tăng của một số loại hàng hóa do lo ngại lạm phát. Những nỗ lực này đã đạt được một số thành công, với giá quặng sắt nội địa giảm hơn 20% kể từ ngày 12/5. Tuy nhiên, Chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg chỉ giảm khoảng 1% trong thời gian này.

Theo Goldman Sachs, động thái hiện thời của Bắc Kinh tương tự như những gì Washington đã làm vào giữa những năm 2000. 

Báo cáo có đoạn viết: "Khi các nhà bình luận không thể hiểu được điều gì đang thúc đẩy sự thay đổi lớn như vậy trong mô hình giá cả, họ quy nó cho các nhà đầu cơ - một yếu tố phổ biến trong suốt lịch sử, nhưng điều này chưa bao giờ giải quyết được tình trạng thắt chặt cơ bản trên thị trường".

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thị trường hàng hóa không còn là trọng tâm của Trung Quốc nữa. Lý do chính giúp Mỹ có sức mạnh lớn hơn trên thị trường là các biện pháp kích thích tài chính của Washington. 

Nhưng cũng có các yếu tố cấu trúc khác, bao gồm Trung Quốc không còn được hưởng lợi nhiều từ lao động giá rẻ hoặc từ sự thờ ơ trước đây của nước này đối với các vấn đề môi trường. Chính những yếu tố đó đã dẫn tới một sự thay đổi mô hình giá trên thị trường.

H. Thuỷ