|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài toán giá nguyên liệu chưa giải, doanh nghiệp Trung Quốc như ngọn đèn dầu trước gió

07:30 | 31/05/2021
Chia sẻ
Do chi phí nguyên liệu thô tăng cao ăn vào lợi nhuận, một loạt nhà máy tại trung tâm sản xuất ở phía nam Trung Quốc đang phải tạm dừng hoặc ngừng hoạt động. Chủ doanh nghiệp vừa đau đầu giải bài toán khó, vừa trông mong chính phủ vào cuộc.

Doanh nghiệp chật vật, hoạt động cầm chừng

Trên khắp tỉnh Quảng Đông - trung tâm công nghiệp ở miền nam Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ than phiền rằng họ khó có thể trụ vững, tình hình kinh doanh năm nay còn khắc nghiệt hơn năm ngoái. Một số gặp khó với nguồn nguyên liệu thô vì giá hàng hóa trở nên quá đắt đỏ.

Tuần trước, Modern Casting - một trong các nhà máy đúc sắt thép lớn nhất Quảng Đông, tuyên bố họ không thể hoàn thành các đơn hàng đã nhận do chi phí tăng đột biến và thiếu nguyên liệu thô.

"Chi phí vật liệu đã vượt xa lợi nhuận gộp của công ty, đến mức chúng tôi không thể gồng lỗ thêm được nữa", tuyên bố của Modern Casting nêu rõ.

Tọa lạc cùng khu công nghiệp với Modern Casting, một xưởng đúc nhỏ hơn - JiangXin Foundry, cũng không có lựa chọn nào khác ngoài giảm sản lượng, Giám đốc Huo Huagen cho hay. Hiện tại, nhà máy này chỉ hoạt động trong 4 ngày, sau đó đóng cửa trong 3 ngày.

Ông Huo nói, JiangXin Foundry đành phải làm vậy do "giá thép phế liệu - nguyên liệu chính để đúc kim loại" đã nhảy vọt lên hơn 4.500 nhân dân tệ/tấn trong vài tuần gần đây. Ban đầu, giá thép phế liệu tăng 700 nhân dân tệ vào ngày 3/5, sau đó tiếp tục tăng thêm vài trăm tệ nữa.

"Cho nên, sản xuất càng nhiều, JiangXin càng lỗ to. Mỗi tấn sắt thép xuất xưởng là chúng tôi lỗ đến 1.500 nhân dân tệ", ông Huo bày tỏ. Vị giám đốc dự đoán sản lượng của công ty năm nay sẽ giảm mạnh và có thể kéo dài sang năm tới.

Bài toán giá nguyên liệu chưa giải, doanh nghiệp Trung Quốc như ngọn đèn dầu trước gió - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: SCMP).

Công nhân của JiangXin cũng đang rất chật vật, lương tháng của họ giảm xuống còn khoảng 3.000 nhân dân tệ, ông Huo cho hay. Năm ngoái, trong những tháng sản xuất cao điểm, lương của công nhân có thể lên tới 8.000 nhân dân tệ.

"Khách hàng lớn nhất của chúng tôi là chi nhánh Trung Quốc của một công ty thang máy Nhật Bản. Chúng tôi đã đề xuất tăng giá 15% đối với các đơn hàng mới nhưng khách hàng vẫn chưa trả lời", ông Huo chia sẻ với SCMP.

Tình hình của Bangzhan Construction Formwork cũng không khả quan hơn, một giám đốc bán hàng cho biết giá nhôm đã nhảy lên hơn 20.000 nhân dân tệ/tấn trong hai tuần qua. "Doanh nghiệp không dám sản xuất số lượng lớn như bình thường", người này nói.

Các nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng ở Quảng Đông cũng đã tạm dừng hoạt động ở nhiều mức độ khác nhau do lo ngại lạm phát giá. Ông Zheng Liqiang - chủ một nhà máy thiết bị nhà bếp, cho biết: "Giá các nguyên liệu thô như kim loại, vỏ nhựa, đồng để sản xuất chip cho thiết bị gia dụng tăng cao, ăn vào lợi nhuận của rất nhiều công ty".

"Các nhà cung ứng của chúng tôi đã tăng giá, do đó chúng tôi cũng phải tăng, đẩy chi phí cho các khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng và doanh số thiết bị nhà bếp trong nước đang rất yếu, vì vậy khách hàng của chúng tôi khó có thể tăng giá hàng hóa với người mua sắm", ông Zheng lập luận.

SCMP dẫn lời ông Zheng cho biết, ngành thiết bị gia dụng đang không có lợi nhuận và nhiều nhà máy nhỏ, đặc biệt là những nhà máy có dưới 100 công nhân, phải đóng cửa trong tháng qua.

Cả ông Zheng và ông Huo đều hy vọng chính phủ sẽ can thiệp để kiềm chế giá nguyên liệu thô. Còn lúc này, họ không thể làm gì khác ngoài tạm dừng sản xuất đơn hàng hoặc cắt giảm nhân công.

Rủi ro kinh tế chồng chất nhưng hướng giải quyết thì chưa rõ ràng

Quả thực, Bắc Kinh đã bắt đầu thảo luận về các rủi ro kinh tế khi giá hàng hóa tăng nóng. Chính phủ cho biết giới chức trong nước đang chú ý hơn đến ảnh hưởng của giá hàng hóa và đang triển khai một chiến lược kép để ổn định thị trường là tăng nguồn cung và tăng cường giám sát.

Cuối tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố sẽ không khoan nhượng với các hành vi như lan truyền thông tin sai lệch, tích trữ và đầu cơ hàng. Động thái này diễn ra sau khi NDRC gặp mặt lãnh đạo của các công ty sắt thép, đồng, nhôm và than hàng đầu đất nước.

Ngoài ra, NDRC còn tiết lộ rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường kiểm soát giá quặng sắt, đồng, ngô và một số mặt hàng khác trong kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 14 để giải quyết tình trạng biến động về giá cả.

Theo SCMP, giá của nhiều kim loại công nghiệp như đồng, quặng sắt, thép, kẽm, nickel và nhôm trên thị trường thế giới đã tăng phi mã trong vài tuần qua. Chẳng hạn, giá quặng sắt đã đạt đỉnh gần 240 USD/tấn vào giữa tháng 5.

Bài toán giá nguyên liệu chưa giải, doanh nghiệp Trung Quốc như ngọn đèn dầu trước gió - Ảnh 4.

Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, làm dấy lên lo ngại lớn về lạm phát. Bình luận về vấn đề này, công ty nghiên cứu TS Lombard (Anh) cho biết: "Trong số liệu PPI, chỉ số phụ cho nguyên liệu thô đang đi lên cùng với xu hướng giá hàng hóa toàn cầu".

"Hay nói cách khác, Trung Quốc đang nhập khẩu lạm phát nguyên liệu thô. Ẩn số quan trọng là áp lực lạm phát này có thể tác động đến nền kinh tế tỷ dân như thế nào. Giá các sản phẩm trung gian tại Trung Quốc đã tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, có những dấu hiệu mới cho thấy giá nguyên liệu thô đang gây ảnh hưởng đến giá hàng hóa trung gian", TS Lombard tiếp tục.

Hôm 18/5, NDRC cho biết giá hàng hóa nhảy vọt có cả ưu và nhược điểm. "Một mặt, điều này giúp cải thiện lợi nhuận của các công ty nguyên liệu đầu vào và giảm rủi ro nợ. Mặt khác, nó cũng sẽ làm tăng chi phí vận hành của các công ty sản xuất trung gian và đầu cuối, từ đó tác động đến hiệu quả hoạt động toàn ngành...", phát ngôn viên Jin Xiandon của NDRC nói.

Ông Jin cho biết NDRC dự đoán chỉ số PPI sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, nhưng tốc độ sẽ chững lại trong nửa cuối năm nay.

Dù Bắc Kinh có ý định kiềm chế rủi ro lạm phát, một số nhà phân tích cho rằng hiện không có nhiều lựa chọn để kiểm soát giá hàng hóa do Trung Quốc còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nước ngoài, chẳng hạn như quặng sắt từ Australia và Brazil.

Chẳng hạn với thép, Trung Quốc có thể bán một phần trong kho dự trữ chiến lược để tăng nguồn cung trên thị trường nội địa hoặc hạn chế xuất khẩu.

Để thúc đẩy nguồn cung thép trong nước và kiềm chế xuất khẩu, Bộ Tài chính Trung Quốc đã áp dụng thuế nhập khẩu tạm thời bằng 0 với một số sản phẩm thép, đồng thời loại bỏ thuế xuất khẩu với 146 sản phẩm thép khác từ ngày 1/5.

Tuy nhiên, các biện pháp trên không hiệu quả, một báo cáo của Mysteel Global cho hay. Nguyên nhân là do nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tăng và việc hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chỉ khiến giá thép được đà nhảy vọt.

Trên thực tế, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 4 tháng đầu năm nay. Riêng tháng 4, xuất khẩu các sản phẩm thép đạt 7.973 triệu tấn, mức cao kỷ lục theo tháng kể từ năm 2017.

"Trước lợi nhuận béo bở từ hoạt động xuất khẩu, mục tiêu giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không còn là ưu tiên của doanh nghiệp. Rất khó để các hãng thép nội địa giảm xuất khẩu, chứ chưa nói đến việc nhập khẩu thép nước ngoài giữa lúc giá thép đang cao ngất ngưởng", Mysteel kết luận.

Yên Khê