|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chìa khóa để hạ nhiệt giá thép không nằm trọn trong tay Trung Quốc

07:12 | 27/05/2021
Chia sẻ
Trung Quốc chỉ mới bước vào hiệp một của cuộc đua hạ nhiệt giá quặng sắt và giá thép. Thành hay bại ở các hiệp tiếp theo phụ thuộc vào những lựa chọn khó khăn hơn và đôi khi là vượt ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh.

Trong tuần qua, giá thép và quặng sắt - nguyên liệu chính để luyện thép tại thị trường Trung Quốc đồng loạt quay đầu giảm. Chất xúc tác cho đà giảm này là các chỉ thị từ chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát giá hàng hóa công nghiệp.

Theo Reuters, giá quặng sắt giao ngay trên thị trường thế giới đã giảm gần 15% so với mức kỷ lục gần 240 USD/tấn xác lập hôm 12/5. Đà giảm trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) còn rõ rệt hơn, khi giá hợp đồng tương lai gần đến ngày đáo hạn (front-month contract) tuần trước bốc hơi khoảng 5,4% xuống còn 1.090,5 nhân dân tệ/tấn.

Chìa khóa để hạ nhiệt giá thép không nằm trọn trong tay Trung Quốc - Ảnh 1.

Trên thực tế, lập trường cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh chủ yếu xoay quanh việc tăng cường giám sát giao dịch hàng hóa và kiềm chế hành vi đầu cơ, tích trữ để thổi giá. Chẳng hạn, hôm 24/5, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố chính phủ sẽ "không khoan nhượng" hành vi đầu cơ và gom hàng.

Nói cách khác, Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng sức mạnh để buộc các thành phần tham gia thị trường hàng hóa phải tuân thủ quy định. Câu hỏi đặt ra là chiến thuật này sẽ hiệu quả trong bao lâu, đặc biệt là khi chính quyền ông Tập Cận Bình không thực sự thúc đẩy nguồn cung hàng hóa hoặc hạn chế nhu cầu trong nước.

Thép Trung Quốc ồ ạt ra lò nhưng tồn kho vẫn thấp

Trung Quốc mua khoảng 70% tổng lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển và sản xuất khoảng 50% sản lượng thép của thế giới.

Từ đầu năm đến nay, đất nước tỷ dân ra sức gom quặng sắt để sản xuất lượng thép kỷ lục giữa lúc nền kinh tế nội địa hưởng lợi từ các gói kích thích tài khóa mà chính phủ tung ra để giúp đất nước phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Quý I năm nay, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng 6,7% lên 381,98 triệu tấn, dữ liệu chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ ra.

Chỉ riêng tháng 4 vừa qua, sản lượng thép của nước này đạt kỷ lục 97,85 triệu tấn, tăng 4,1% so với tháng 3. Tính chung quý I/2021, sản lượng thép của nền kinh tế tỷ dân đạt tổng cộng 374,56 triệu tấn, nhảy vọt 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng thép vẫn tăng mạnh, bất chấp những khẳng định của Bắc Kinh rằng sản lượng thép năm nay sẽ giảm xuống dưới mức 1,065 tỷ tấn ghi nhận vào năm 2020. Hạ sản lượng thép là một phần trong chiến dịch hạn chế phát thải khí nhà kinh của chính quyền ông Tập.

Chìa khóa để hạ nhiệt giá thép không nằm trọn trong tay Trung Quốc - Ảnh 2.

Công nhân đi ngang qua các cuộn thép ở nhà máy Sắt Thép Trùng Khánh, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Theo nhận định của Reuters, khó có thể tin giá quặng sắt và giá thép ở Trung Quốc sẽ lao dốc nếu doanh nghiệp ngành thép tiếp tục bơm hàng ra thị trường với tốc độ hiện tại trong khi tồn kho thấp.

Trong tuần tính đến ngày 21/5, tồn kho quặng sắt tại các cảng biển của Trung Quốc tăng lên 128,35 triệu tấn, nhích nhẹ so với con số 128,3 triệu tấn của tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh 135,9 triệu tấn ghi nhận hồi cuối tháng 4.

Tồn kho thép thanh vằn (dùng trong xây dựng) đã giảm 10 tuần liên tiếp xuống còn 7,24 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 21/5. Hơn nữa, tồn kho thép thanh vằn hiện còn giảm 38% so với mức đỉnh 11,55 triệu tấn của tuần tính đến ngày 12/3.

Trung Quốc đâu thể tự mình hạ giá thép

Trung Quốc cũng không thể hoàn toàn kiểm soát thị trường khi mà còn một số yếu tố khác tác động đến cán cân cung - cầu như nhu cầu quặng sắt ở các nền kinh tế khác hay như vấn đề liên quan đến nguồn cung, đặc biệt là từ nhà xuất khẩu quặng sắt số hai thế giới Brazil.

Theo dữ liệu của Refinitiv, Nhật Bản - nước nhập khẩu quặng sắt lớn thứ hai tại châu Á, đã mua khoảng 8,99 triệu tấn quặng trong tháng 4 năm nay, mức cao nhất kể từ tháng 9/2019.

Hàn Quốc - thị trường nhập khẩu quặng sắt lớn thứ ba châu Á, mua được 6,79 triệu tấn nguyên liệu thô trong tháng 4. Con số này giảm so với mức 7,32 triệu một tháng trước, nhưng dù sao khối lượng quặng sắt nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 3 là cao nhất từ tháng 10/2015.

Thị trường châu Âu cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Tháng 4 vừa qua, nhập khẩu quặng sắt bằng đường biển của các nước châu Âu đã tăng lên 8,71 triệu tấn, là mức đỉnh 6 tháng và là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương.

Ở đầu cung, dữ liệu của Refinitiv cho thấy Brazil đã xuất khoảng 25,75 triệu tấn quặng sắt trong tháng 4, giảm so với con số 27,54 triệu tấn của tháng 3 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 34 - 35 triệu tấn trong hai tháng 8 và 9 năm ngoái.

Australia - nước cung ứng quặng sắt lớn nhất thế giới, xuất khẩu được 71,28 triệu tấn quặng sắt trong tháng 4, giảm so với mức 76,73 triệu tấn của tháng 3. Nguồn cung của đất nước châu Đại Dương được dự đoán sẽ phục hồi, nhưng khối lượng quặng xuất khẩu vẫn thấp hơn một chút so với triển vọng hàng tháng là trên 80 triệu tấn.

Nhìn chung, Trung Quốc không thể thực sự kiểm soát hoàn toàn giá quặng sắt khi nhiều yếu tố thị trường cùng kết hợp với nhau. Ẩn số X trong bài toán hạ giá quặng sắt và giá thép của Trung Quốc chính là nhu cầu quặng của các nước khác, nhưng 2021 dường như là năm mà thế giới cùng "khát" loại nguyên liệu thô này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.