Chuyên gia Goldman Sachs: Không phải vàng, đồng mới là tài sản tương tự bitcoin khi phòng ngừa lạm phát
Tương quan giữa đồng và bitcoin
Thời gian qua, vàng và tiền ảo được coi là hai hàng rào chống lạm phát hiệu quả, thậm chí một số nhà đầu tư tiền ảo còn ca ngợi bitcoin như một tài sản thay thế cho vàng trong thời kỳ hiện đại.
Trong cuộc phỏng vấn mới với CNBC, ông Jeff Currie - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư không nên xem tiền ảo như một lựa chọn thay thế cho vàng ở khía cạnh phòng ngừa lạm phát. Thay vào đó, ông Currie cho biết đồng và bitcoin mới có đặc điểm tương tự nhau.
Vị chuyên gia lưu ý, đồng và bitcoin đều đóng vai trò như các công cụ phòng ngừa lạm phát rủi ro cao, trong khi vàng vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn (hay nói cách khác là tài sản rủi ro thấp).
"Có lạm phát tốt và lạm phát xấu. Lạm phát tốt là khi nhu cầu tăng cao và tạo ra lạm phát. Bitcoin, đồng hay dầu mỏ chính là các tài sản phòng ngừa rủi ro lạm phát trong trường hợp này", ông Currie nhấn mạnh.
"Trong khi đó, vàng là tài sản phòng ngừa rủi ro lạm phát xấu, khi nguồn cung sụt giảm mạnh, chẳng hạn như tình trạng thiếu chip, hàng hóa và các nguyên liệu thô hiện nay", chuyên gia phân tích của Goldman Sachs lập luận thêm.
Hiện tại, lạm phát tại một số nước như Mỹ đang tăng nóng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo và cầu của nhiều hàng hóa vượt cung.
Tháng 4 năm nay, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán của các chuyên gia.
Hai trường hợp lạm phát và vị thế của hàng hóa nói chung
Trong một báo cáo hôm 31/5, Goldman Sachs gợi ý rằng hàng hóa nói chung vẫn là biện pháp phòng ngừa lạm phát tốt nhất cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm một tài sản trú ẩn trước nguy cơ thị trường tài chính lao dốc.
Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu hàng hóa của ông Currie cho biết vì cổ phiếu được định giá theo kỳ vọng của thị trường về lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, chúng là một hàng rào tốt chống lại "lạm phát được dự đoán trước".
Tuy nhiên, một khi áp lực lạm phát đủ lớn buộc các ngân hàng trung ương phải tính đến khả năng tăng lãi suất, chứng khoán không còn là biện pháp phòng ngừa lạm phát hiệu quả, nhóm nghiên cứu lập luận.
"Hàng hóa công nghiệp là các tài sản giao ngay không phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng trong tương lai mà phụ thuộc vào mức độ nhu cầu so với khả năng cung ứng", bản báo cáo nêu rõ.
"Do đó, hàng hóa là tài sản phòng ngừa rủi ro trong trường hợp lạm phát bất thường và ngắn hạn. Lạm phát loại này xuất hiện khi tổng nhu cầu vượt quá khả năng cung ứng của thị trường trong giai đoạn cuối của chu kỳ kinh doanh", Goldman Sachs kết luận.