|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đồng, giá quặng sắt phá đảo thị trường dù phiên giao dịch chỉ vừa mở

15:22 | 10/05/2021
Chia sẻ
Ngay đầu phiên giao dịch ngày 10/5, giá quặng sắt giao sau nhảy vọt hơn 10%, trong khi giá đồng lập đỉnh mới. Điều này càng khiến nhà đầu tư tin tưởng mà đặt cược vào hai kim loại này.
Giá đồng, giá quặng sắt phá đảo thị trường dù phiên giao dịch chỉ vừa mở - Ảnh 1.

Một mỏ khai thác quặng sắt ở Brazil. (Ảnh: Alamy).

Mở đầu phiên giao dịch hôm nay (10/5), giá quặng sắt giao sau tại Singapore tiếp tục tăng hơn 10% để lên leo mức kỷ lục mới là 226 USD/tấn. Từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt - nguyên liệu chính để chế biến thép, đã tăng khoảng 40%.

Tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng sắt giao sau còn nhanh chóng chạm biên độ dao động tối đa trong ngày khi thị trường vừa mở cửa.

Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty khai thác quặng sắt còn dẫn đầu mức tăng của chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi chỉ số chứng khoán của Australia có thời điểm giao dịch gần mức đỉnh mọi thời đại. Quặng sắt là hàng hóa xuất khẩu giá trị nhất của Australia.

Giá đồng, giá quặng sắt phá đảo thị trường dù phiên giao dịch chỉ vừa mở - Ảnh 2.

Đồng, kim loại thường được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, tăng 2,1% lên mức kỷ lục 10.639 USD/tuần ngay đầu phiên giao dịch mới của Sàn Giao dịch Kim loại London.

Dù khó xác định chính xác nguyên nhân kích hoạt mức tăng ngay đầu phiên 10/5, nhà đầu tư vẫn chỉ ra một số xu hướng hiện có, chẳng hạn như một số ngân hàng trung ương lớn có thể sẽ duy trì chính sách hỗ trợ ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

Ngoài ra, thị trường hàng hóa còn dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt các quy định về môi trường. Điều đó càng tiếp thêm sức mạnh cho giá đồng - thứ kim loại được cho là xương sống của cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Hơn nữa, nhà đầu tư còn đồn đoán rằng các công ty sản xuất thép tại Trung Quốc có thể sẽ tăng cường tích trữ quặng sắt trước khi các quy định mới có hiệu lực.

Thành tích của giá đồng và giá quặng sắt ngay đầu phiên 10/5 còn giúp kéo dài đà tăng hơn một năm của các nguyên liệu thô. Chỉ số Hàng hóa Bloomberg đã tăng 14 trong 15 ngày qua và leo lên mức đỉnh của gần một thập kỷ.

Ông Vivek Dhar - nhà phân tích hàng hóa tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho rằng lĩnh vực quặng sắt "đang rất, rất nóng". Chia sẻ trên Bloomberg Television, ông Dhar cảnh báo: "Nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu quặng sắt quá khủng đó".

Bình luận thêm về đồng, các nhà phân tích của Goldman Sachs lập luận: Đồng vẫn là một món đầu tư dài hạn mà nhà đầu tư yêu thích trên thị trường hàng hóa, vì nhu cầu đồng phục vụ tương lai xanh có nguy cơ xung đột với nguồn cung, hay nói cách khác là cung không đủ cầu. Goldman Sachs dự đoán giá đồng có thể tăng lên 11.000 USD/tấn trong 12 tháng tới và chạm mức 14.000 USD/tấn vào năm 2024.

"Giá đồng tăng phi mã cùng với các gói kích thích tài khóa tập trung vào các dự án xe điện và giảm khí thải nhà kính khiến chúng ta bỏ quên vấn đề nguồn cung đồng", CEO Sam Spring của công ty khai thác quặng Kincora Copper cho hay.

"Trước đại dịch COVID-19 và đợt tăng đột biến của giá đồng, doanh nghiệp vốn đã phải chật vật duy trì nguồn cung. Các khoản đầu tư từ siêu chu kỳ hàng hóa trước đều đã đạt đỉnh, cũng không có nhiều dự án mới được khởi động sau giai đoạn 2015 - 2016", ông Spring lý giải.

Giá đồng, giá quặng sắt phá đảo thị trường dù phiên giao dịch chỉ vừa mở - Ảnh 3.

Sự bùng nổ của quặng sắt còn diễn ra ngay thời điểm các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc vẫn giữ vững sản lượng thép trên 1 tỷ tấn mỗi năm, bất chấp các chính sách hạn chế của Bắc Kinh nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính và kiềm chế nguồn cung.

Trái lại, các biện pháp kiềm kẹp của chính quyền Bắc Kinh lại thúc đẩy giá thép và biên lợi nhuận của rất nhiều cơ sở luyện thép trên toàn quốc, cho phép họ thích ứng với giá quặng sắt cao hơn và thậm chí mua trước một lượng lớn quặng để đề phòng lệnh cấm mới trong tương lai.

Hàng loạt ông lớn ngành thép trên khắp thế giới như ArcelorMittal cũng đang hưởng lợi khi nhu cầu thép bật tăng từ mức thấp trong đại dịch COVID-19.

Thời gian tới, thương nhân sẽ theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc trước đợt tăng nóng của thị trường kim loại. Gần đây, Tân Hoa Xã dẫn một phân tích từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết về lâu dài, các hãng sản xuất tàu biển và hàng gia dụng không thể chống đỡ được nếu giá thép tiếp tục tăng nóng.

Khả Nhân