Vì sao giá quặng sắt tăng mạnh ngay cả khi bất động sản Trung Quốc vẫn ảm đạm?
Đà tăng giá quặng sắt kéo dài liên tiếp từ 8/2023 đến đầu năm 2024. Tính đến ngày 8/1, giá quặng sắt giao dịch quanh mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 là 141,5 USD/tấn. So sánh giá hồi tháng 8 năm ngoái, giá quặng sắt tăng khoảng 40%, theo dữ liệu từ Tradingeconomics.
Theo Financial Times, đây là một trong những mặt hàng nguyên liệu có diễn biến giá tốt nhất trong năm 2023. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ rằng giá quặng sắt tăng ngay cả khi thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm và nhu cầu thép xây dựng cho các công trình nhà ở vẫn thấp.
Các nhà máy thép dường như thua lỗ khi giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng như quặng sắt hay than đá đều tăng mạnh. Trong khi đó, giá thép chỉ có một đợt tăng nhẹ vào giữa tháng 10/2023. Tuy nhiên, các nhà máy Trung Quốc không thể để tình trạng càng sản xuất càng lỗ kéo dài mãi.
Xu hướng giảm sản lượng thép kéo dài suốt từ tháng 3/2023 đến cuối năm. Tính đến tháng 11, sản lượng thép đạt 76,1 triệu tấn, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. Một phần nguyên nhân đến từ hoạt động xây dựng liên quan đến bất động sản, vốn chiếm 35% đến 40% nhu cầu thép của Trung Quốc, đang chậm lại.
Vậy tại sao giá quặng sắt lại tăng ngay cả khi thị trường bất động sản ảm đạm?
Nhiều lời giải thích khác nhau cho xu hướng tăng giá này, chủ yếu đến từ việc kỳ vọng của thị trường đối với kế hoạch kích thích nền kinh tế của Trung Quốc trong đó có việc vực lại thị trường bất động sản.
Ngoài ra, việc kỳ vọng vào các đợt chi tiêu lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay cũng góp phần tạo động lực cho giá.
Theo Reuters, hy vọng về sự phục hồi của ngành bất động sản trong những tháng tới đã được khơi dậy bởi các động thái của Trung Quốc trong với nới lỏng các yêu cầu cho vay.
Tâm lý thị trường được chấn an hơn khi giá nhà mới tăng nhẹ trong tháng 11, mức tăng hàng tháng thứ ba liên tiếp.
Hoạt động tiêu thụ thép ở một số ngành khác vẫn tăng trưởng, trong đó, sản xuất ô tô của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 11 với gần 3,1 triệu chiếc, tăng 7% so với tháng 10 và 29% so với tháng 11 năm ngoái.
Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc cho rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm nay.
Suy đoán này được đưa ra sau thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình được truyền hình trực tiếp vào đầu năm nay rằng Trung Quốc sẽ “củng cố và tăng cường động lực phục hồi kinh tế, đồng thời nỗ lực đạt được sự phát triển kinh tế ổn định và lâu dài”.
Trung Quốc dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2024. Điều đó có thể giúp ích cho ngành thép vốn đang gặp khó khăn do tình trạng bất ổn trong lĩnh vực phát triển bất động sản.
Chuyên gia phân tích Grant Sporre và Michelle Leung của Bloomberg Intelligence cho biết các nhà sản xuất thép có thể mong đợi mức tăng trưởng một chữ số trong năm mới, nhờ động lực tích cực từ nửa cuối năm 2023, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.
Huatai Futures Ltd. cho biết những kỳ vọng về các chính sách kinh tế vĩ mô tiếp theo, cùng với nhu cầu quặng sắt liên tục tăng khi các nhà máy chuyển sang dự trữ mùa đông, tiếp tục hỗ trợ giá nguyên liệu này.
Ngoài ra, xuất khẩu thép của Trung Quốc ước tính tăng 45% trong năm 2023 chủ yếu sang Đông Nam Á và Châu Âu. Điều này cũng phần nào giải thích cho nhu cầu quặng quặng sắt tăng trong thời gian qua.
Đồng nhân dân tệ mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng khiến giá sắt mua vào rẻ hơn – ngay khi hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc ở mức thấp.
Kết quả này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất quặng sắt toàn cầu, đặc biệt là Fortescue của Australia và Vale của Brazil. Giá cổ phiếu của các công ty này tăng khoảng 31% trong ba tháng cuối năm 2023. Các nhà kinh doanh quặng sắt càng có lý do để lạc quan về triển vọng mặt hàng này.