Cùng với 'bão giá thép', giá đồng có thể vượt mốc 20.000 USD/tấn
Tồn kho cạn kiệt, giá đồng có thể leo lên 20.000 USD/tấn
Hôm 4/5, chiến lược gia hàng hóa Michael Widmer của Bank of America cảnh báo, lượng tồn kho đồng trên toàn cầu đang chạm đáy 15 năm, đồng nghĩa rằng tồn kho hiện chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong hơn ba tuần. Vấn đề mới phát sinh ngay thời điểm nền kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi và tăng phát (reflate).
"Bank of America dự đoán thị trường đồng sẽ có một đợt thâm hụt nguồn cung và lượng hàng tồn kho sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm nay cũng như năm tới", vị chuyên gia nói thêm.
"Khi tồn kho đồng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) gần cạn kiệt, các giao dịch hợp đồng tương lai có thể biến động dữ dội. Khi đó, thị trường đồng có nguy cơ xảy ra tình trạng bù hoãn bán, tức là giá đồng giao ngay có thể cao đột biến so với giá đồng trên thị trường tương lai", ông Widmer tiếp tục.
Chiến lược gia của Bank of America cũng nhấn mạnh rằng sự biến động mạnh do tồn kho giảm không phải là chưa từng có tiền lệ, vì tình trạng thiếu niken trên sàn LME giai đoạn 2006 - 2007 từng đẩy giá niken nhảy vọt hơn 300%.
Trong kịch bản cơ sở và tồn kho đồng tiếp tục khan hiếm, ông Widmer dự đoán giá đồng có thể tăng lên 13.000 USD/tấn trong những năm tới sau khi đạt mốc 10.000 USD/tấn vào tuần trước.
Theo CNBC, Bank of American nhận định, nguồn cung đồng sẽ thâm hụt trong giai đoạn 2021 - 2022, sau đó thị trường cân bằng trở lại trong hai năm 2023 và 2024 và sau cùng cung lại không bắt kịp cầu vào năm 2025.
"Tuy nhiên, nguồn cung đồng phế liệu cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Chúng tôi cho rằng khối lượng đồng phế liệu mà các nhà máy sẽ sử dụng sẽ tăng từ khoảng 4.200 tấn năm 2016 lên 6.700 tấn năm 2025", ông Widmer cho hay.
"Song, nếu dự đoán đối với thị trường đồng phế liệu - một sân chơi vốn không thực sự minh bạch, không thành hiện thực thì lượng hàng tồn kho đồng có thể sụt giảm rất mạnh trong vòng ba năm tới. Giá đồng có thể biến động dữ dội và thậm chí vượt mốc 20.000 USD/tấn", ông Widmer nhấn mạnh.
Đồng - "dầu thô" của nền kinh tế mới
Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới, nhu cầu đồng cũng đang được thúc đẩy bởi vai trò quan trọng của kim loại này trong một số lĩnh vực công nghiệp mới, chẳng hạn như pin xe điện và hệ thống dây điện bán dẫn.
Chia sẻ với CNBC, ông David Neuhauser - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Livemore Partners, cho biết các kim loại cơ bản như thép, đồng, nhôm,...đang được hưởng lợi khi đồng USD suy yếu và cam kết của chính phủ các nước đối với cơ sở hạ tầng xanh.
Các nhà phân tích của HSBC cũng cho rằng nhu cầu đồng đang được củng cố nhờ các khoản đầu tư lớn vào điện khí hóa trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách ngày càng coi trọng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Neuhauser cho biết đồng vẫn đang là mặt hàng yêu thích của của quỹ Livemore Partners, thay thế cho dầu thô - động cơ cho nền kinh tế toàn cầu ở thập kỷ trước. "Tôi nghĩ đồng chính là loại 'dầu thô' mới của nền kinh tế mới. Trong 5 - 10 năm tới, giá đồng có khả năng đạt 20.000 USD/tấn", nhà sáng lập dự báo.
Theo một dự báo của McKinsey, đến năm 2050, khoảng 73% sản lượng điện trên toàn cầu sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, và đồng đương nhiên đóng một vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi này.
Các trang trại điện mặt trời và điện gió phụ thuộc rất nhiều vào đồng. Chẳng hạn, các trang trại điện gió có thể sử dụng 4 - 15 triệu pound đồng; trong khi các trang trại điện mặt trời cần 9.000 pound đồng cho mỗi megawatt điện năng.
Hơn nữa, đồng còn là một kim loại dẫn điện tốt, là thành phần không thể thiếu trong pin xe điện, hệ thống dây điện và trạm sạc. Visual Capitalist dẫn một dự báo cho biết vào năm 2030, các hãng xe điện cần hơn 250.000 tấn đồng để sản xuất cuộn dây điện trong động cơ kéo điện của xe điện.